Trí tuệ cảm xúc là gì? Cách rèn luyện trí tuệ cảm xúc trong công việc.
Ngày càng có một nhận thức rộng rãi rằng trí thông minh không phải là yếu tố chủ chốt quyết định sự thành công của con người. Trí tuệ cảm xúc mới là yếu tố tạo nên 90% sự khác biệt giữa người có thành tích cao so với những người có kỹ năng và kiến thức tương tự.
Vậy trí tuệ cảm xúc là gì và làm thế nào để có thể quản trị nó trong công việc và cuộc sống? Bài viết này của tôi sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi đó.
Trí tuệ cảm xúc là gì?
Theo Harvard Business School, trí tuệ cảm xúc là khả năng hiểu và quản lý cảm xúc của chính bản thân mình, đồng thời cảm nhận và ảnh hưởng được đến cảm xúc của những người xung quanh.
Trước đây, trí thông minh (IQ) là kỹ năng được đánh giá cao nhất. Tuy nhiên, kể từ khi được phổ biến rộng rãi bởi nhà tâm lý học Daniel Goleman sau những năm 1990, trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence – EI) đã dần trở thành một kỹ năng được coi trọng hơn.
Một khảo sát được thực hiện bởi CareerBuilder cho thấy, 71% nhà tuyển dụng đánh giá cao EQ (chỉ số đo lường trí tuệ cảm xúc) hơn IQ. Theo họ, những người có EQ cao sẽ có khả năng giữ bình tĩnh khi gặp áp lực, giải quyết xung đột hiệu quả và biết đồng cảm với những đồng nghiệp khác.
Vai trò của trí tuệ cảm xúc
Bạn có thể hoàn thành công việc nhờ IQ. Nhưng quá trình làm việc có suôn sẻ, nhận được sự đồng thuận từ đồng nghiệp và được cấp trên đánh giá cao hay không là nhờ có EQ.
Trí tuệ cảm xúc có vai trò quan trọng trong cuộc sống và công việc của chúng ta trên nhiều khía cạnh. Nó ảnh hưởng đến:
Hiệu suất làm việc
Môi trường làm việc luôn tồn tại nhiều vấn đề khó xử. Bất đồng có thể nảy sinh bất kỳ lúc nào trong quá trình làm việc. Nhận thức được vấn đề và biết cách định hướng các mối quan hệ xã hội phức tạp tại công sở sẽ giúp bạn dễ dàng hợp tác với nhiều người.
Trí tuệ cảm xúc sẽ giúp bạn cư xử khéo léo, tế nhị, hợp tình hợp lý hơn. Nhờ đó mà các bất đồng có thể được xử lý nhanh hơn, tăng hiệu suất làm việc của tập thể.
Trí tuệ cảm xúc ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần
Không kiểm soát được cảm xúc là một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng. Các yếu tố có thể tác động đến cảm xúc của bạn có ở khắp mọi nơi.
Nếu không kiểm soát được cảm xúc, bạn sẽ dễ dàng bị bực bội, lo lắng hay trầm cảm. Hơn nữa, căng thẳng quá mức có thể gây nên tăng huyết áp, ức chế miễn dịch, tăng nguy cơ đau tìm, đột quỵ, vô sinh và gây lão hóa nhanh.
Ảnh hưởng đến các mối quan hệ của bạn
Một người có trí thông minh cảm xúc cao thường biết cách biểu đạt cảm xúc của bản thân. Hơn nữa, họ cũng dễ dàng thấu hiểu được cảm giác của người khác và có cách cư xử phù hợp. Điều này giúp họ xây dựng các mối quan hệ bền vững và duy trì chúng trong công việc và cuộc sống.
Hơn nữa, con người không thể sống tách rời xã hội. Khả năng đồng điệu cảm xúc giúp bạn dễ dàng kết nối với những người xung quanh. Trí tuệ cảm xúc, vì thế, giúp bạn có cuộc sống xã hội cân bằng hơn, đáp ứng nhu cầu được kết nối và gắn kết.
Cấu trúc của trí tuệ cảm xúc
Trí tuệ cảm xúc được chia ra làm 4 năng lực cốt lõi sau đây. Trước hết, bạn cần hiểu chúng là gì. Sau đó, trong phần tiếp theo của bài viết, tôi sẽ hướng dẫn bạn một số cách để rèn luyện từng phần của trí tuệ cảm xúc.
- Tự nhận thức: Bạn nhận biết và gọi tên được các cảm xúc của chính mình. Bạn cũng hiểu được chúng tác động đến suy nghĩ và hành vi của bạn như thế nào. Bạn hiểu bản thân mình có điểm mạnh và điểm yếu gì, và biết cách vận dụng chúng phù hợp.
- Quản lý bản thân: Là khả năng kiểm soát cảm xúc và hành vi của bạn một cách lành mạnh và chủ động.
- Nhận thức xã hội: Thể hiện ở sự đồng cảm của bạn với những người xung quanh. Bạn có khả năng tiếp thu các tín hiệu cảm xúc. Từ đó nhận ra nhu cầu và mối quan tâm của người khác. Trong giao tiếp xã hội, bạn cảm thấy thoải mái và nhận ra động lực trong một nhóm hoặc tổ chức.
- Quản lý các mối quan hệ: Bạn biết cách xây dựng, phát triển, duy trì các mối quan hệ. Năng lực này cũng thể hiện ở việc giao tiếp rõ ràng, truyền cảm hứng và có thể gây ảnh hưởng đến người khác. Bạn làm việc nhóm tốt và biết cách quản lý xung đột.
Cách rèn luyện trí tuệ cảm xúc
Mỗi người sinh ra đã có một mức độ trí tuệ cảm xúc riêng. Nếu bạn có EQ chưa cao, bạn vẫn hoàn toàn có thể rèn luyện được nó. Sau đây là những cách ban có thể thử áp dụng.
Tự nhận thức
Tự nhận thức là năng lực cốt lõi quan trọng nhất. Đây là điều đầu tiên bạn cần cải thiện nếu muốn rèn luyện trí thông minh cảm xúc của bạn.
Theo Harvard Business School, một nghiên cứu được thực hiện bởi nhà tâm lý học tổ chức Tasha Eurich cho thấy: 95% mọi người nghĩ rằng họ tự nhận thức được bản thân, nhưng thực tế chỉ có 10 đến 15% làm được điều đó.
Điều đầu tiên bạn cần làm là phải nhận thức được cảm xúc của mình. Để làm được điều này, bạn hãy thực hành “Chánh niệm”. Chánh niệm là tập trung sự chú ý một cách có chủ đích vào thời điểm hiện tại và không hề phán xét điều gì. Bạn chỉ cần tập trung vào hơi thở, bình tĩnh lại và cảm nhận cảm giác thể chất và cảm xúc của bạn.
Tiếp đó, trong quá trình thực hành Chánh niệm, hãy trả lời các câu hỏi sau đây. Chúng sẽ giúp bạn hiểu được mức độ kết nối với cảm xúc của bạn:
- Bạn có cảm nhận được sự thay đổi cảm xúc khi trải nghiệm của bạn thay đổi không? Gọi tên cảm xúc mà đang nhận thấy. Nếu bạn chưa thể gọi tên được cảm xúc của mình, hãy tham khảo công cụ Bánh xe cảm xúc.
- Cảm xúc của bạn có đi kèm với sự thay đổi thể chất không? Ví dụ như tức ngực, khó thở, tim đập nhanh…
- Bạn có nhận thấy cảm xúc của bạn được biểu hiện qua nét mặt không?
- Cảm xúc của bạn có mạnh mẽ đến mức thu hút sự chú ý của bạn và người khác không?
- Cảm xúc của bạn có ảnh hưởng đến việc ra quyết định không?
Tập luyện theo cách này sẽ giúp bạn dần kết nối với cảm xúc của bạn và nâng cao khả năng tự nhận thức cảm xúc. Bạn cũng có thể hỏi những người khác để biết được đánh giá của họ, rồi so sánh với cảm nhận của bạn.
Quản trị bản thân
Trong những tình huống căng thẳng, con người thường có xu hướng mất kiểm soát cảm xúc và hành động bốc đồng. Để quản trị bản thân tốt hơn, theo tôi bạn cần làm 2 việc:
Quản lý căng thẳng
Đây là việc bạn cần làm để giảm thiểu những tình huống căng thẳng có thể khiến bạn mất kiểm soát. Điều quan trọng nhất là hãy tìm ra nguyên nhân gây căng thẳng và giải quyết tận gốc.
Có rất nhiều cách để bạn có thể giảm căng thẳng như:
- Thiền định
- Tập yoga
- Chơi thể thao
- Đi dạo ngoài trời
- Đi du lịch
- Viết nhật ký…
Tự nhận thức cảm xúc của bản thân
Đây chính là một năng lực của trí tuệ xúc cảm, mà tôi đã đề cập ở trên. Nhận biết được cảm xúc là bước đầu tiên giúp bạn quản lý nó. Nếu bạn nhận ra được bạn đang mất kiểm soát thì bạn sẽ ngăn chặn được hành động bốc đồng.
Khi đã quản lý được căng thẳng và nhận thức được cảm xúc, bạn có thể tiếp nhận những thông tin khó chịu mà không bị chúng lấn át lý trí.
Quản lý cảm xúc chỉ là một phần của quản trị bản thân. Bạn có thể tham khảo bài viết này của tôi để hiểu rộng hơn về quản trị bản thân trên nhiều khía cạnh.
Nhận thức xã hội
Hiểu rõ bản thân rất quan trọng, nhưng bạn không thể tách rời bản thân khỏi xã hội. Để thành công trong công việc, bạn cần phải hiểu được cảm xúc của đồng nghiệp, cấp trên, đối tác…
Khả năng nhận thức xã hội cho phép bạn hiểu được những tín hiệu phi ngôn ngữ của người khác. Việc này thường trở nên dễ dàng nếu bạn đã quen quan sát bản thân và có khả năng tự nhận thức tốt.
Để nâng cao trí tuệ cảm xúc, bạn cần có sự đồng cảm. Tổ chức phát triển lãnh đạo toàn cầu DDI đánh giá đồng cảm là kỹ năng lãnh đạo số một.
Để đồng cảm với những người khác, bạn có thể thực hành chánh niệm. Hãy hòa mình vào tình huống thực tại, thu thập các tín hiệu và hiểu cảm xúc của người khác. Đưa ra phản hồi và sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm và cảm xúc của bản thân cũng là một cách thể hiện sự đồng cảm của bạn.
Chú ý đến cảm xúc của người khác sẽ không làm giảm đi khả năng tự nhận thức của bạn. Ngược lại, nó sẽ giúp bạn hiểu thêm về giá trị và các niềm tin của mình.
Khi bạn có thể lắng nghe quan điểm của người khác mà không phán xét và phản ứng bốc đồng, bạn đã nâng cao được khả năng nhận thức xã hội và quản trị bản thân. Đồng nghiệp và những người xung quanh sẽ càng tôn trọng bạn hơn, vì sự lắng nghe và đồng cảm của bạn.
Quản lý các mối quan hệ
Trước hết, hãy phân loại các mối quan hệ của bạn và có nguyên tắc ứng xử phù hợp. Với những mối quan hệ thân thiết, hãy chân thành. Trong những mối quan hệ xã giao, hãy giao tiếp đúng mực.
>> Có thể bạn quan tâm: Ứng dụng mô hình cửa sổ Johari trong giao tiếp
Ngoài ra, một điều quan trọng trong quản lý mối quan hệ là học cách giải quyết xung đột. Xung đột và bất đồng là điều khó tránh khỏi giữa người với người. Hãy thay đổi tư duy và xem đó là cơ hội để gần gũi hơn với người khác hơn.
Hãy hiểu rằng hai người không thể lúc nào cũng có niềm tin, quan điểm, ý kiến giống nhau. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Giải quyết xung đột theo cách lành mạnh, mang tính xây dựng sẽ củng cố lòng tin giữa mọi người. Khi xung đột không tạo ra sự đe dọa, và các bên liên quan đều có cái nhìn tích cực, nó sẽ thúc đẩy tự do và sáng tạo.
Lời kết về trí tuệ cảm xúc
Hoàn thành nhiệm vụ chỉ là một phần của công việc. Nếu bạn giao tiếp không khéo léo, tinh tế, không hòa đồng với đồng nghiệp, quá trình làm việc của bạn có thể rất trắc trở. Bạn cũng khó có thể đạt được sự đồng thuận và khó có thể gây ảnh hưởng đến người khác.
Quản trị trí tuệ cảm xúc có thể không phải việc mà bạn có thể làm xuất sắc trong một sớm một chiều. Nhưng chắc chắn bạn có thể rèn luyện nó nếu chú tâm. Hy vọng những chia sẻ của tôi trong bài viết này hữu ích với bạn. Chúc bạn thành công!
Nguồn tham khảo: Harvard Business School, Helpguide