?>
25/12/2023

Quản trị nguồn nhân lực xanh là gì – Lợi ích và cách áp dụng.

Trong một thế giới đang đối mặt với những thách thức ngày càng nghiêm trọng về môi trường, việc quản trị nguồn nhân lực xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố quyết định sự bền vững của doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã áp dụng quản trị nguồn nhân lực xanh như Google, IKEA, Unilerver, nhằm đạt được hiệu suất kinh tế cao hơn và giảm lượng phát thải carbon.

Tại Việt Nam, xu hướng này đang dần trở nên phổ biến, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức mới cho các tổ chức. Bài viết này nhằm mục tiêu giúp bạn khám phá chi tiết về quản trị nguồn nhân lực xanh, từ định nghĩa đến cách áp dụng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững.

Quản trị nguồn nhân lực xanh là gì?

Quản trị nguồn nhân lực xanh là gì?

Có nhiều định nghĩa khác nhau về Quản trị nguồn nhân lực xanh (Green Human Resources Management hay Green HRM).

Theo Viện quản trị nguồn nhân lực (HRMI) thì “Quản trị nguồn nhân lực xanh là việc sử dụng các chính sách, thực tiễn và hệ thống quản trị nguồn nhân lực để thúc đẩy việc sử dụng bền vững các nguồn lực trong các tổ chức và rộng hơn là thúc đẩy các yếu tố dẫn đến sự bền vững của môi trường.”[1]

Theo định nghĩa này, quản trị nguồn nhân lực xanh không còn giới hạn trong việc nâng cao ý thức của nhân viên về môi trường. Rộng hơn, nó tập trung vào việc tạo ra một lực lượng lao động xanh – những người hiểu biết, đánh giá cao và thực hành các sáng kiến xanh. Đồng thời, bộ phận HR cũng cần duy trì các mục tiêu xanh trong suốt quá trình tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ, phát triển nguồn nhân lực của tổ chức.

Lợi ích của quản trị nguồn nhân lực xanh

Quản trị nguồn nhân lực xanh là một xu hướng nhiều tổ chức đang hướng tới. Nhưng tại sao doanh nghiệp của bạn nên tham gia vào xu hướng này? Nếu bạn đang băn khoăn điều đó, hãy tìm hiểu thêm về những lợi ích mà Green HRM đem lại cho doanh nghiệp.

Lợi ích kinh tế

  • Tăng hiệu suất: Áp dụng quản trị nguồn nhân lực xanh thường đi kèm với sự tập trung vào nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên thông qua đào tạo và phát triển kỹ năng xanh. Môi trường làm việc tích cực và bền vững sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và tương tác tích cực trong tổ chức, từ đó nâng sao hiệu suất làm việc.
  • Giảm chi phí: Sử dụng nguồn lực tái tạo và quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng sẽ giảm chi phí vận hành. Tái chế và giảm lượng rác thải có thể giảm chi phí xử lý rác thải cho doanh nghiệp.
  • Thu hút đầu tư: Trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy “Chuyển đổi xanh”, doanh nghiệp thực hiện quản trị nguồn nhân lực xanh sẽ có thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quan tâm đến các doanh nghiệp có tầm nhìn và cam kết với phát triển bền vững.

Lợi ích môi trường

  • Giảm tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên: Giảm phát thải carbon và sử dụng nguồn lực tái tạo giúp giảm tác động tiêu cực đối với môi trường và biến đổi khí hậu. Chiến lược quản trị nguồn nhân lực xanh, vì thế, giúp giảm lượng chất thải và ô nhiễm.
  • Bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên: Sử dụng nguồn lực tái tạo và tái chế giúp bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên như nước, đất đai, và khoáng sản. Giảm sử dụng nguyên liệu không tái tạo, hỗ trợ trong việc duy trì sự đa dạng sinh học.

Lợi ích xã hội

Tăng cường hình ảnh doanh nghiệp

  • Tăng cường hình ảnh doanh nghiệp: Quản trị nguồn nhân lực xanh giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh tích cực trong cộng đồng và trở thành một đối tác xã hội trách nhiệm. Điều này có thể dẫn đến sự tin tưởng và sự ủng hộ từ phía khách hàng và đối tác.
  • Thu hút và giữ chân nhân sự tài năng: Nhân viên ngày nay đặc biệt quan tâm đến cam kết của doanh nghiệp đối với bền vững. Doanh nghiệp thực hiện quản trị nguồn nhân lực xanh có khả năng thu hút và giữ chân nhân sự tài năng có tầm nhìn và giá trị tương tự. Điều này sẽ giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong dài hạn.

Cách áp dụng quản trị nguồn nhân lực xanh

Như đã chia sẻ trong phần định nghĩa, quản trị nguồn nhân lực xanh không chỉ đơn giản là đưa ra những sáng kiến sử dụng năng lượng tái tạo, cắt giảm sử dụng giấy hay tăng cường tái sử dụng.

Green HRM phải được thực hiện trong mọi chính sách, quy trình quản trị nguồn nhân lực. Và điều đó đòi hỏi người làm công việc HR phải đưa ra nhiều sáng kiến xanh trong mỗi hoạt động, công việc hàng ngày của mình.

Sau đây, tôi sẽ gợi ý cho bạn cách để đưa các chính sách nhân sự tiến tới quản trị nguồn nhân lực xanh.

Tuyển dụng xanh

Để một tổ chức hướng tới phát triển bền vững, nó cần có những nhân sự có thái độ xanh, sẵn sàng thực hiện các hành vi xanh và luôn mang tư duy xanh vào mọi hoạt động công việc.

Vì thế, điều trước tiên các nhà tuyển dụng cần làm chính là tìm kiếm nguồn nhân sự xanh. Có nghĩa là, tổ chức của bạn cần đưa thêm các yêu cầu về phát triển bền vững, sự quan tâm đến môi trường vào trong Mô tả công việc.

Tiếp đó, nhà tuyển dụng cũng cần thực hiện các hành động xanh trong suốt quá trình tìm kiếm và sàng lọc ứng viên. Ví dụ như:

  • Sử dụng sơ yếu lý lịch online để giảm lãng phí tài liệu in ấn.
  • Tổ chức các bài kiểm tra và trả kết quả online trong quá trình sàng lọc ứng viên. Việc này giúp tiết kiệm giấy và các tác động môi trường từ việc đi lại của ứng viên.
  • Linh hoạt tổ chức phỏng vấn trực tiếp (nếu có thể).

Trong các bài kiểm tra hoặc trong quá trình phỏng vấn, hãy đặt các câu hỏi để đánh giá nhận thức xanh, thái độ và trình độ của ứng viên về môi trường. Điều đó sẽ giúp tổ chức của bạn sàng lọc và lựa chọn được những nhân sự xanh ngay từ đầu.

Đào tạo định hướng

Chương trình giới thiệu nhân viên nên được lên kế hoạch để giúp nhân viên mới hòa nhập vào nền văn hóa có ý thức xanh.

Về hình thức thực hiện, bộ phận nhân sự nên ưu tiên sử dụng tài liệu đào tạo online. Các bài kiểm tra và kết quả cũng nên được gửi qua email, lưu trữ trực tuyến thay vì in ra giấy.

Về nội dung chương trình định hướng, doanh nghiệp nhấn mạnh mối quan tâm đến các vấn đề xanh của nhân viên như sức khỏe, an toàn và điều kiện làm việc xanh. Bạn cũng có thể giới thiệu về các Sáng kiến xanh mà các phòng ban đã và đang áp dụng để nhân viên mới hiểu về hành động nhất quán của công ty trong việc phát triển bền vững.

Quản trị nguồn nhân lực xanh trong đào tạo và phát triển

Đào tạo xanh với bản tin môi trường

Đào tạo và phát triển là hoạt động tập trung vào phát triển kỹ năng, kiến ​​thức và thái độ của nhân viên về bảo vệ môi trường. Đào tạo và phát triển xanh giáo dục nhân viên về giá trị của môi trường, đào tạo họ về các phương pháp làm việc giúp tiết kiệm năng lượng, giảm lãng phí. Đồng thời, nâng cao nhận thức về môi trường trong tổ chức và tạo cơ hội để nhân viên tham gia giải quyết vấn đề môi trường.

Các khía cạnh liên quan đến môi trường như an toàn, tiết kiệm năng lượng, quản lý chất thải và tái chế có thể trở thành trọng tâm của đào tạo xanh.

Hoạt động đào tạo xanh giúp nhân viên nhận thức được các khía cạnh và giá trị khác nhau của quản lý môi trường. Nó giúp họ có kiến thức về các phương pháp bảo tồn khác nhau, bao gồm cả quản lý chất thải trong một tổ chức. Hơn nữa, nó giúp xây dựng bộ kỹ năng xanh của nhân viên để giải quyết các vấn đề môi trường khác nhau.

Tôi sẽ gợi ý cho bạn một số cách thực hiện như sau:

  • Truyền thông nội bộ. Ví dụ như gửi bản tin cho nhân viên về các vấn đề môi trường đang diễn ra trên thế giới và trong lĩnh vực hoạt động của công ty.
  • Tổ chức các buổi học tập, hội thảo và phiên họp về quản lý môi trường, kỹ năng và thái độ xanh.
  • Xây dựng các mô-đun đào tạo trực tuyến về quản lý môi trường và đưa chúng trở thành phần đào tạo bắt buộc hàng năm mà nhân viên phải hoàn thành.
  • Đối với các nhà quản lý xanh tiềm năng, việc luân chuyển công việc trong nhiệm vụ xanh phải trở thành một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển nghề nghiệp của họ.

Quản lý hiệu suất xanh

Làm thế nào để liên kết việc quản lý hiệu suất của nhân viên với mục tiêu phát triển bền vững chung của tổ chức. Cách tốt nhất chính là đưa ra các nhiệm vụ và thước đo cụ thể.

Trước tiên, bằng cách đưa các nhiệm vụ “xanh” vào mô tả công việc của từng vị trí, mỗi nhân viên sẽ bắt đầu ý thức rằng mình cần thực hiện những hành động xanh phù hợp với công việc của mình.

Tiếp theo, các mục tiêu xanh của cả tổ chức cần được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ xanh cho từng phòng ban, bộ phận. Mỗi nhân viên sẽ dựa vào đó mà có các nhiệm vụ xanh khác nhau. Lý tưởng nhất, các mục tiêu này sẽ được đặt theo phương pháp OKR để có thể theo dõi, đánh giá và cải thiện liên tục.

Lương thưởng và phúc lợi

Lương thưởng và phúc lợi cho các sáng kiến xanh

Doanh nghiệp cần xây dựng cơ chế lương thưởng cho các nhiệm vụ xanh

Gói lương thưởng cần được điều chỉnh để khen thưởng cho những nhân viên có kết quả tốt khi thực hiện “nhiệm vụ xanh”. Đó là cách để tổ chức ghi nhận sự đóng góp của nhân viên trong việc tạo dựng một công ty bền vững hơn.

Với các vị trí quản lý cấp cao, gắn tiêu chuẩn phát thải carbon với lương thưởng phúc lợi cũng là một cách để đánh giá cao những nỗ lực xanh.

Tổ chức có thể đưa ra những phần thưởng khác nhau như sau:

  • Khen thưởng bằng tiền – dưới hình thức tăng lương, khuyến khích bằng tiền mặt và tiền thưởng.
  • Phần thưởng phi tiền tệ – nghỉ phép, nghỉ phép đặc biệt, giảm giá hoặc quà tặng cho nhân viên.
  • Phần thưởng dựa trên sự công nhận – nêu bật những đóng góp xanh của nhân viên thông qua việc công khai rộng rãi, khen ngợi trước toàn thể nhân viên hay đánh giá cao những nỗ lực phát triển bền vững của ban lãnh đạo cấp cao.

Ví dụ: Nhiều doanh nghiệp đã và đang yêu cầu mỗi phòng ban hoặc cá nhân cần đóng góp ít nhất 01 sáng kiến xanh mỗi tháng. Các ý tưởng xanh được đưa ra dựa trên trải nghiệm thực tế của nhân viên hầu hết đều rất thiết thực và ý nghĩa. Các ý tưởng xanh có tác động lớn đến doanh nghiệp có thể được trao giải thưởng xứng đáng. Tôi đánh giá đây là một hoạt động rất thiết thực trong việc gắn “phát triển bền vững” với công việc của mỗi cá nhân.

Thách thức và cơ hội của Green HRM

Quản trị nguồn nhân lực xanh là cơ hội góp phần vào hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nhưng nó cũng phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ trong quá trình thực hiện. Hiểu được những thách thức và khó khăn này sẽ giúp doanh nghiệp của bạn chuẩn bị tốt hơn cho quá trình chuyển đổi xanh.

Đọc thêm: 7 bước triển khai chiến lược ESG trong doanh nghiệp

Thách thức

Thiếu nhận thức và hiểu biết:

Thách thức lớn nhất có thể là sự thiếu hiểu biết và nhận thức về quản trị nguồn nhân lực xanh trong tổ chức. Cần đào tạo nhân sự và lãnh đạo để họ hiểu rõ về lợi ích và phương pháp thực hiện.

Chi phí ban đầu cao:

Đầu tư vào công nghệ và hạ tầng xanh có thể đòi hỏi một chi phí ban đầu cao, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này có thể là một rắc rối đặc biệt khi họ đang cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh hàng ngày.

Chỉ riêng với bộ phận HR, chuyển đổi từ hệ thống lưu trữ giấy tờ sang lưu trữ thông tin tuyển dụng online cũng cần chi phí đầu tư ban đầu. Ngoài ra, việc xây dựng hoặc mua các chương trình đào tạo xanh cũng sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Những khoản đầu tư này sẽ được bù đắp qua thời gian nhờ chi phí tiết kiệm được từ việc chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, nếu không có tầm nhìn dài về quản trị nguồn nhân lực xanh, bộ phận HR có thể sẽ gặp khó khăn để thuyết phục lãnh đạo công ty phê duyệt các khoản đầu tư này.

Thay đổi văn hóa tổ chức:

Một thách thức lớn khác là thay đổi văn hóa tổ chức để tích hợp quản trị nguồn nhân lực xanh. Cần phải vượt qua sự phản đối và tạo ra sự chấp nhận từ phía nhân viên và lãnh đạo.

Nhiều nhân viên sẽ không cảm thấy họ cần thiết phải bảo vệ môi trường khi làm việc. Hoặc có thái độ đối phó, thờ ơ với các sáng kiến xanh.

Đọc thêm: 5 bước triển khai văn hóa doanh nghiệp

Cơ hội

Quản trị nguồn nhân lực xanh tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp

Nguồn nhân sự năng động:

Môi trường làm việc xanh có thể tạo ra một nguồn nhân sự năng động, sáng tạo, và cam kết với mục tiêu bền vững của doanh nghiệp. Cơ hội để nhân viên tham gia vào các dự án và sáng kiến xanh có thể tạo ra sự động viên lớn, đặc biệt nếu doanh nghiệp có những phúc lợi tương xứng.

Thu hút khách hàng và đối tác:

Doanh nghiệp áp dụng quản trị nguồn nhân lực xanh có cơ hội thu hút khách hàng và đối tác quan tâm đến các giá trị xã hội và môi trường. Điều này có thể mở ra cơ hội mới trong việc tìm kiếm và giữ chân khách hàng trung thành.

Tuân thủ pháp luật và tiêu chuẩn quốc tế:

Việc thực hiện quản trị nguồn nhân lực xanh giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, mở rộng cơ hội để doanh nghiệp tham gia vào các thị trường toàn cầu và tạo ra hình ảnh tích cực.

Nguồn lực tài chính và tư duy sáng tạo:

Doanh nghiệp định hướng xanh có cơ hội nhận nguồn lực tài chính từ các tổ chức hỗ trợ và nhà đầu tư quan tâm đến các dự án xanh. Khả năng tạo ra giải pháp sáng tạo và phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ xanh có thể mở ra các thị trường mới và tăng cường doanh thu.

Kết luận

Qua bài viết này, tôi đã giới thiệu cho bạn về khái niệm nguồn nhân lực xanh, lợi ích, cơ hội, thách thức cũng như cách áp dụng cho bộ phận HR. Hy vọng với những chia sẻ này, bạn sẽ có thể bắt tay vào việc định hướng phát triển xanh cho việc quản trị nguồn nhân lực. Từ đó, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp bạn.

Chúc bạn thành công!

Nguồn tham khảo:

  1. HRMI – Green HRM
  2. VantageCircle – Green HR: Meaning, Advantages, Policies and Practices
  3. IEduNote – Green HRM

 

Chia sẻ bài viết: Quản trị nguồn nhân lực xanh là gì – Lợi ích và cách áp dụng
error: Content is protected !!
Scroll Up