Mô hình chuỗi giá trị là gì? Quy trình phân tích chi tiết.
Mô hình chuỗi giá trị là một mô hình kinh doanh giúp bạn hiểu được các hoạt động mà doanh nghiệp thực hiện để tạo ra được những giá trị đó. Và trong đó, đâu là hoạt động giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác.
Trong bài viết này, tôi sẽ giúp bạn hiểu về công cụ Mô hình chuỗi giá trị – Value chain model. Tôi cũng sẽ hướng dẫn bạn cách phân tích chuỗi giá trị để bạn có thể áp dụng trong doanh nghiệp.
Mô hình chuỗi giá trị là gì?
Chuỗi giá trị là một chuỗi các bước liên tiếp trong quá trình tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, từ khi thiết kế cho đến khi sản phẩm đến tay tay khách hàng. Đây chính là quá trình mà giá trị được gia tăng, bao gồm các giai đoạn tìm nguồn cung ứng, sản xuất, tiếp thị và bán hàng.
Sản phẩm sẽ đi qua tất cả các hoạt động trong chuỗi giá trị. Tại mỗi hoạt động, một phần giá trị lại được tăng thêm.
Bạn cần phân biệt chuỗi giá trị với chuỗi cung ứng. Chuỗi giá trị của Michael Porter đề cập đến việc tạo hoặc tăng thêm giá trị cho sản phẩm ở mọi bước. Còn chuỗi cung ứng là một mạng lưới các đơn vị cung cấp nguyên liệu thô, biến chúng thành hàng hóa thành phẩm, và rồi phân phối cho khách hàng.
Nguồn gốc
Mô hình chuỗi giá trị được giới thiệu lần đầu tiên bởi học giả Michael E.Porter năm 1985. Ông cũng là tác giả của mô hình 5 áp lực cạnh tranh.
Theo Porter: “Lợi thế cạnh tranh không thể được hiểu bằng cách nhìn tổng thể một công ty. Nó bắt nguồn từ nhiều hoạt động rời rạc mà một công ty thực hiện trong việc thiết kế, sản xuất, tiếp thị, phân phối và hỗ trợ sản phẩm của mình.” (Trích cuốn sách: Lợi thế cạnh tranh: Tạo và Duy trì hiệu suất vượt trội).
Chúng ta nên hiểu câu nói này như thế nào?
Với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, để duy trì và gia tăng khách hàng, lợi nhuận, doanh nghiệp nên xác định được lợi thế cạnh tranh của mình. Từ đó, tập trung duy trì và làm mạnh hơn lợi thế này. Mô hình chuỗi giá trị ra đời để giúp doanh nghiệp làm được điều đó.
Ý nghĩa của chuỗi giá trị
Mục tiêu cuối cùng của chuỗi giá trị chính là giúp doanh nghiệp có thể mang lại nhiều giá trị nhất, với chi phí thấp nhất nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Để làm được điều đó, chuỗi giá trị giúp phát hiện ra các hoạt động kém hiệu quả. Từ đó, các doanh nghiệp có thể thực hiện thay đổi, cải tiến cần thiết để giảm chi phí và cải thiện giá trị của hoạt động. Nói cách khác, value chain giúp tối đa hóa giá trị tại từng điểm cụ thể trong quy trình của doanh nghiệp.
Phân tích chuỗi giá trị là gì?
Phân tích chuỗi giá trị là một quá trình chiến lược. Trong đó, một doanh nghiệp sẽ đánh giá các hoạt động nội bộ trong chuỗi giá trị của mình, để xem mỗi hoạt động đóng góp vào lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp như thế nào.
Mục tiêu của việc phân tích chuỗi giá trị là xác định các phương pháp và quy trình giúp phân biệt doanh nghiệp với đối thủ. Qua đó, doanh nghiệp có thể đưa ra giải pháp để nâng cao lợi thế.
Doanh nghiệp cần lựa chọn giữa hai loại lợi thế cạnh tranh: lợi thế chi phí và lợi thế khác biệt. Đây cũng là 2 phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị của Michael Porter. Tùy thuộc vào lợi thế mà bạn chọn, cách phân tích sẽ khác nhau. Tôi sẽ hướng dẫn bạn chi tiết trong phần sau của bài viết.
Lợi thế về chi phí
Mục tiêu của chiến lược lợi thế về chi phí là trở thành công ty có chi phí thấp nhất trong ngành hoặc thị trường. Các công ty lựa chọn chiến lược chi phí thấp có hiệu quả hoạt động cao, chi phí thấp. Từ đó, họ có thể giảm chi phí tổng thể cho dịch vụ, sản phẩm cuối cùng. Một số doanh nghiệp nổi bật với chiến lược này là Toyota, Ford, Amazon.
Lợi thế về sự khác biệt
Nếu bạn chọn chiến lược khác biệt hóa, bạn sẽ cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ độc đáo, có tính chuyên biệt cao để đạt được lợi thế cạnh tranh. Muốn làm được như vậy, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều nguồn lực cho R&D. Lợi thế khác biệt sẽ cho phép doanh nghiệp đặt ra mức giá cao hơn cho sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Ví dụ nổi bật cho doanh nghiệp sử dụng lợi thế khác biệt là Apple và Starbucks.
Tốt nhất, các doanh nghiệp nên xác định và lựa chọn một lợi thế cạnh tranh duy nhất để tập trung vào. Lợi thế mà bạn chọn sẽ quyết định mục tiêu của việc phân tích chuỗi giá trị. Bạn cũng sẽ có một ý tưởng rõ ràng về các mục tiêu kinh doanh và cách bạn dự định cung cấp giá trị. Nó cũng giúp bạn thu hẹp phạm vi thay đổi cần thực hiện để cải thiện hiệu quả.
Các thành phần của mô hình chuỗi giá trị (Value chain)
Trước khi đi phân tích Value chain, bạn cần hiểu chuỗi giá trị gồm những hoạt động nào và mối liên hệ giữa chúng. Michael Porter chia các hoạt động của doanh nghiệp thành 2 loại: hoạt động chính và hoạt động hỗ trợ.
Các hoạt động chính
Đây là nhóm các hoạt động không thể thiếu để giúp các doanh nghiệp tạo ra giá trị. Mỗi hoạt động đều có vai trò riêng trong việc cải thiện giá trị cho sản phẩm cuối cùng.
Các hoạt động chính bao gồm:
- Hậu cần đầu vào. Là cách mà doanh nghiệp thu được các nguyên vật liệu và nguồn lực cần thiết cho sản xuất sản phẩm cuối cùng. Việc này bao gồm các chức năng tiếp nhận, lưu kho và quản lý hàng tồn kho. Khi phân tích, hãy xem xét vị trí của các nhà cung cấp và chi phí vận chuyển từ kho của họ đến kho của bạn
- Sản xuất. Gồm các thủ tục chuyển đổi các nguyên liệu thô thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Tại đây, bạn có thể xem chi phí vận hành nhà kho, máy móc, dây chuyền lắp ráp, chi phí nhân công.
- Hậu cần đầu ra. Gồm các hoạt động nhằm phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng như đóng gói, phân loại, vận chuyển. Hãy tính đến chi phí xử lý đơn hàng, chi phí bao bì đóng gói, vận chuyển, lưu kho…
- Tiếp thị và bán hàng. Đây là các hoạt động nhắm tới khách hàng mục tiêu, để khách hàng biết tới các sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp và mua hàng. Chúng bao gồm quảng cáo, khuyến mại và định giá. Khi phân tích, hãy tính đến các chi phí cho quảng cáo, kênh tiếp thị, chi phí/mỗi chuyển đổi.
- Dịch vụ sau bán hàng. Bao gồm các chương trình để nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Ví dụ như dịch vụ khách hàng, bảo hành, sửa chữa, hoàn tiền và đổi hàng, đào tạo về sản phẩm. Tất cả các dịch vụ này đều phát sinh chi phí, hãy xem xét chúng.
Các hoạt động hỗ trợ
Vai trò của các hoạt động bổ trợ là giúp các hoạt động chính hiệu quả hơn. Mối quan hệ giữa các hoạt động chính và bổ trợ nằm ở chỗ, khi bạn tăng hiệu quả của từng hoạt động hỗ trợ, nó sẽ mang lại lợi ích cho ít nhất một trong 5 hoạt động chính.
Nhóm này bao gồm các hoạt động sau:
- Thu mua. Là cách mà doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu, máy móc thiết bị và dịch vụ sử dụng trong quá trình sản xuất sản phẩm. Mục đích của hoạt động này là tìm nguồn cung chất lượng và phù hợp với ngân sách.
- Phát triển công nghệ. Bao gồm các hoạt động như thiết kế sản phẩm, nghiên cứu thị trường. Nó cũng bao gồm việc xây dựng và tự động hóa các quy trình trong doanh nghiệp, giúp tăng hiệu quả hoạt động và giảm chi phí.
- Quản lý nguồn nhân lực (HR). Liên quan đến việc tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, giữ chân nhân viên, các chính sách khen thưởng phúc lợi. Hoạt động này rất quan trọng, đặc biệt trong ngành dịch vụ. Vì các nhân viên xuất sắc chính là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Cơ sở hạ tầng. Đề cập đến các hệ thống của công ty và tất cả các hoạt động quản lý nguồn lực nói chung, như lập kế hoạch, kế toán, tài chính, pháp lý và kiểm soát chất lượng.
Cách phân tích chuỗi giá trị (Value chain Analysis)
Tôi sẽ hướng dẫn bạn cách phân tích chuỗi giá trị của Michael Porter theo 2 phương pháp tiếp cận. Tùy vào loại lợi thế mà doanh nghiệp lựa chọn tập trung, bạn hãy thực hiện quy trình phân tích phù hợp.
Cách phân tích chuỗi giá trị theo lợi thế chi phí
Để đạt được lợi thế về chi phí, doanh nghiệp cần thực hiện 5 bước phân tích sau.
Bước 1 – Xác định hoạt động chính và hỗ trợ
Tất cả các hoạt động cần được xác định rõ ràng và tách biệt. Để làm được bước này, bạn cần am hiểu về hoạt động của doanh nghiệp. Chuỗi giá trị không giống như sơ đồ tổ chức của công ty. Bạn cần xem xét các hoạt động trên phương diện chúng mang lại giá trị cho khách hàng như thế nào.
Bước 2 – Phân tích giá trị và chi phí của từng hoạt động
Mục tiêu của bước này là xác định tầm quan trọng tương đối của từng hoạt động trong tổng chi phí sản phẩm. Các hoạt động chiếm tỷ trọng chi phí lớn hoặc không hiệu quả (so với đối thủ cạnh tranh) cần được ưu tiên giải quyết.
Để thực hiện bước 2, bạn cần sự phối hợp của bộ phận kế toán, với các số liệu kế toán tài chính và kế toán quản trị. Để so sánh với đối thủ cạnh tranh, bạn có thể nghiên cứu hoặc tìm mua số liệu đối chuẩn (benchmark) của ngành.
Bước 3 – Xác định cost-driver cho từng hoạt động
Chỉ khi hiểu được yếu tố nào dẫn đến chi phí, nhà quản lý mới có thể cải thiện chúng hiệu quả. Ví dụ: Chi phí cho các hoạt động sử dụng nhiều lao động sẽ được chi phối bởi giờ làm việc, tốc độ làm việc, mức lương.
Bước 4 – Xác định mối liên kết giữa các hoạt động
Các hoạt động trong doanh nghiệp không tách rời nhau. Giảm chi phí một hoạt động có thể dẫn đến giảm chi phí của hoạt động khác. Do đó, các doanh nghiệp nên xác định chính xác mối liên hệ giữa các hoạt động để hiểu rõ việc cải thiện chi phí sẽ ảnh hưởng như thế nào đến toàn bộ chuỗi giá trị.
Ví dụ: Giảm chi tiết trong thiết kế sản phẩm vừa giảm chi phí sản xuất, vừa giảm chi phí dịch vụ sau bán hàng. Do ít bộ phận bị lỗi hơn sẽ làm giảm chi phí sửa chữa và bảo hành.
Bước 5 – Xác định các cơ hội giảm chi phí
Khi biết được các hoạt động kém hiệu quả và nguyên nhân dẫn đến chi phí cao, công ty có thể lập kế hoạch để cải thiện giá trị sản phẩm dịch vụ. Ví dụ: Chi phí thu mua quá cao có thể được giải quyết bằng việc tìm kiếm nhà cung cấp hoặc nguyên vật liệu thay thế.
Cách phân tích chuỗi giá trị theo lợi thế khác biệt hóa
Nếu doanh nghiệp của bạn lựa chọn lợi thế khác biệt, bạn hãy thực hiện phân tích mô hình chuỗi giá trị (Value chain) theo 3 bước sau.
Bước 1 – Xác định những hoạt động tạo ra giá trị cho khách hàng
Sau khi đã xác định được các hoạt động, bạn cần tập trung vào những hoạt động đóng góp nhiều nhất vào việc tạo giá trị cho khách hàng.
Ví dụ: Với các thương hiệu hàng cao cấp, xa xỉ, thành công không đến từ tính năng tuyệt vời của sản phẩm mà đến từ hoạt động tiếp thị và bán hàng xuất sắc.
Bước 2 – Đánh giá các chiến lược khác biệt hóa để nâng cao giá trị
Nhà quản lý có thể sử dụng các chiến lược sau để tăng thêm sự khác biệt và giá trị cho sản phẩm dịch vụ hoặc là xác định lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm dịch vụ của mình để quyết định chiến lược nào phù hợp và liên kết với nhau,
- Thêm tính năng đặc biệt, cao cấp
- Cung cấp dịch vụ khách hàng vượt xa mong đợi
- Tăng khả năng tùy biến (customization)
- Cung cấp các sản phẩm bổ sung.
Bước 3 – Xác định sự khác biệt bền vững nhất
Thông thường, sự khác biệt hóa vượt trội và giá trị khách hàng là kết quả của nhiều hoạt động và chiến lược có liên quan lẫn nhau. Doanh nghiệp nên kết hợp nhiều chiến lược ở bước 2 để tạo ra lợi thế khác biệt hóa bền vững nhất cho sản phẩm.
Kết luận
Như vậy tôi đã vừa chia sẻ với bạn những kiến thức cơ bản về mô hình chuỗi giá trị và cách phân tích theo 2 hướng tiếp cận.
Ngoài ra, từ chuỗi giá trị, chúng ta sẽ quyết định được các bước triển khai tiếp theo như việc xây dựng ma trận chức năng, cơ cấu tổ chức, khung năng lực,…Dựa theo đó quyết định chiến lược nhân sự nào phù hợp từ chiến lược kinh doanh trong từng thời kỳ phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, xác định được các chức năng nào trong chuỗi giá là yếu tố quan trọng tạo ra sản phẩm/dịch vụ khác biệt với các đối thủ cạnh tranh.
Hy vọng những thông tin này có thể giúp bạn áp dụng hiệu quả trong doanh nghiệp và nâng cao lợi thế so với đối thủ cạnh tranh.
Nếu bạn có thắc mắc về chuỗi giá trị, hãy gửi email cho tôi để trao đổi.
Nguồn tham khảo: