?>
22/08/2022

Mô hình 5 áp lực cạnh tranh – Cách sử dụng và ví dụ thực tế.

Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter là một phần quan trọng trọng quản trị chiến lược. Mặc dù đã ra đời hơn 40 năm, mô hình này không hề bị lỗi thời. Nó vẫn được ứng dụng rộng rãi trong việc đánh giá các lực lượng cạnh tranh trong ngành. Từ đó, giúp nhà quản trị xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.

Trong bài viết này, tôi sẽ giải thích về mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter và phân tích mô hình này trong thực tế của một công ty. Mời các bạn theo dõi.

Mô hình 5 áp lực cạnh tranh là gì?

Mô hình 5 áp lực cạnh tranh là gì?

Porter’s Five Forces là một mô hình phân tích các áp lực cạnh tranh định hình mọi ngành nghề. Nó giúp xác định được điểm yếu và điểm mạnh của ngành.

Mô hình này được đặt theo tên của Giáo sư Michael E.Porter của trường đại học Harvard. Nó xuất hiện lần đầu trong bài viết của ông trên ấn phẩm Harvard Business Review năm 1979. Kể từ đó đến nay, mô hình đã trở thành một công cụ thiết yếu trong quản trị chiến lược và được ứng dụng rộng rãi.

Mô hình 5 áp lực cạnh tranh có thể áp dụng cho bất kỳ lĩnh vực nào để hiểu được mức độ cạnh tranh trong ngành.

5 lực lượng cạnh tranh trong mô hình là:

  1. Cạnh tranh trong ngành
  2. Mối đe dọa đến từ những đối thủ cạnh tranh tiềm năng
  3. Quyền lực của nhà cung cấp
  4. Quyền lực của khách hàng
  5. Mối đe dọa của các sản phẩm thay thế

Ý nghĩa mô hình 5 áp lực cạnh tranh

Ý nghĩa của mô hình

Porter’s Five Forces là một khung dùng để phân tích môi trường canh tranh của doanh nghiệp. Một số tác dụng mà mô hình này mang lại là:

  • Giúp nhà quản lý hiểu được bối cảnh cạnh tranh mà doanh nghiệp phải đối mặt.
  • Hiểu được vị thế của công ty trong ngành.
  • Giúp định hướng chiến lược nhằm tăng lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận của công ty.
  • Mô hình này giúp đánh giá tính hấp dẫn của ngành mà doanh nghiệp muốn tham gia, xu hướng cạnh tranh, từ đó quyết định có nên tham gia vào ngành hay không.

Hạn chế của mô hình 5 áp lực cạnh tranh

Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter – Porter’s Five Forces cũng có những hạn chế nhất định.

– Đây là một mô hình tĩnh, cung cấp cái nhìn tổng quan về ngành tại một thời điểm. Nó hữu ích khi cung cấp thông tin cho chiến lược ngắn hạn. Tuy nhiên, với sự thay đổi nhanh chóng của các yếu tố cạnh tranh bên ngoài, tính ứng dụng của mô hình bị thu hẹp.

– Một số người sử dụng mô hình 5 áp lực cạnh tranh để phân tích một công ty cụ thể. Đây là một cách dùng sai lầm. Mô hình này dùng để đánh giá sức hấp dẫn của việc nắm giữ một vị trí trong ngành. Nếu muốn đánh giá một doanh nghiệp, hãy dùng ma trận SWOT.

– Mô hình 5 áp lực cạnh tranh được áp dụng cho từng ngành nghề kinh doanh. Vì thế, các công ty tập trung vào nhiều ngành sẽ phải đánh giá từng ngành, rồi hợp nhất lại.

– Hạn chế lớn nhất của mô hình này là đánh giá 5 lực lượng cạnh tranh ngang nhau. Với hầu hết các ngành, sẽ có 1 hoặc 2 yếu tố cạnh tranh quan trọng hơn những yếu tố khác.

Bạn nên kết hợp mô hình 5 áp lực cạnh tranh với phân tích PESTEL để có cái nhìn tổng quan về những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của công ty.

5 lực lượng cạnh tranh của Porter’s Five Forces

Porter đã xác định 5 áp lực cạnh tranh định hình mọi ngành công nghiệp và thị trường. Trước khi ứng dụng mô hình này, chúng ta cần hiểu rõ những áp lực cạnh tranh được đề cập đến là gì.

Cạnh tranh trong ngành

Cạnh tranh cùng ngành

Yếu tố này đề cập đến các đối thủ cạnh tranh trong ngành. Khi số lượng đối thủ cạnh tranh trong ngành càng lớn, sức mạnh của một công ty càng giảm.

Các nhà cung cấp sẽ tìm đến đối thủ cạnh tranh của bạn nếu họ đưa ra thỏa thuận tốt hơn. Khách hàng có thể không mua hàng của bạn nữa, nếu đối thủ cạnh tranh bán hàng rẻ hơn bạn.

Ngược lại, khi mức độ cạnh tranh trong ngành của bạn thấp, công ty nào có quyền lực lớn sẽ có thể bán hàng hóa dịch vụ với giá cao hơn. Đồng thời, có được lợi thế mang lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn.

Áp lực cạnh tranh của các đối thủ trong ngành phụ thuộc các yếu tố:

  • Rào cản rút lui khỏi thị trường. Rào cản rút lui càng lớn thì doanh nghiệp càng có xu hướng ở lại thị trường, khiến độ cạnh tranh tăng lên.
  • Không có chi phí chuyển đổi (switching cost). Đây là chi phí mà người tiêu dùng phải trả để thay đổi nhà cung cấp, sản phẩm, thương hiệu đang sử dụng. Chi phí chuyển đổi càng thấp thì mức độ cạnh tranh giữa những người bán càng lớn.
  • Tốc độ tăng trưởng của ngành
  • Lượng cầu của thị trường.
  • Lượng chi phí cố định
  • Cơ cấu cạnh tranh của ngành
  • Sự hiện diện của các khách hàng toàn cầu.

Mối đe dọa đến từ đối thủ cạnh tranh tiềm năng

Đối thủ tiềm năng trên thị trường

Đối thủ cạnh tranh tiềm năng là những công ty hiện không cạnh tranh trong ngành, nhưng có tiềm năng tham gia vào thị trường nếu được lựa chọn.

Sự gia nhập của người chơi mới sẽ làm cuộc cạnh tranh thị phần thêm khốc liệt. Các doanh nghiệp trong ngành sẽ tăng thêm chi phí tiếp thị, cắt giảm các chi phí không cần thiết nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận.

Rào cản gia nhập thị trường càng ít thì những người mới càng dễ tham gia. Và vị thế của những công ty trong ngành càng dễ bị suy yếu. Các rào cản để gia nhập thị trường bao gồm:

  • Quy mô nền kinh tế
  • Lòng trung thành với các thương hiệu hiện hữu
  • Các quy định của chính phủ
  • Chi phí chuyển đổi khách hàng (switching cost)
  • Lợi thế chi phí tuyệt đối
  • Khả năng phân phối
  • Nguồn vốn mạnh.

Một ngành có rào cản gia nhập mạnh rất lý tưởng cho các công ty hiện tại trong ngành. Tuy nhiên, nếu đối thủ cạnh tranh tiềm năng rất mạnh, thì mối đe dọa này vẫn lớn.

Quyền thương lượng của nhà cung ứng

Sức mạnh của nhà cung ứng

Nhà cung cấp là những người cung cấp đầu vào cho các công ty trong ngành. Sức mạnh của các nhà cung ứng tăng lên khi:

– Có ít nhà cung cấp cho một ngành.

– Yêu cầu mua hàng có tính độc đáo, riêng biệt cao.

– Tốn nhiều chi phí chuyển đổi nhà cung cấp.

Khi sức mạnh của nhà cung ứng tăng lên, họ có thể tăng giá cung ứng dễ dàng hơn và có lợi thế hơn trong đàm phán thương mại.

Mặt khác, nếu số lượng nhà cung cấp trong ngành ít, năng lực sản xuất hạn chế, các doanh nghiệp hiện hữu trong ngành cũng gặp rào cản khi muốn mở rộng kinh doanh. Các doanh nghiệp mới muốn gia nhập thị trường cũng khó khăn hơn, nếu không đủ khả năng cạnh tranh để giành được nhà cung cấp.

Quyền thương lượng của khách hàng

Sức mạnh của khách hàng

Khách hàng đề cập đến người tiêu dùng cuối cùng hoặc những công ty phân phối sản phẩm cho người tiêu dùng cuối cùng.

Những khách hàng mạnh có thể khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm. Vì họ có quyền thương lượng hạ giá và yêu cầu nhiều hơn về chất lượng sản phẩm và quyền lợi ở một mức giá.

Quyền thương lượng của khách hàng phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Số lượng khách hàng trên thị trường.
  • Sự khác biệt của các sản phẩm, dịch vụ.
  • Chi phí chuyển đổi khi khách hàng muốn thay đổi thương hiệu.

Số lượng khách hàng càng ít thì quyền thương lượng của khách hàng càng mạnh. Hơn nữa, khi sản phẩm từ các công ty không có nhiều khác biệt, chi phí chuyển đổi thấp, khách hàng càng dễ chọn đối thủ cạnh tranh của bạn. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành này sẽ tốn nhiều chi phí để tìm kiếm khách hàng mới và duy trì sự trung thành của khách hàng.

Mối đe dọa đến từ các sản phẩm thay thế

các sản phẩm thay thế

Sản phẩm thay thế là sản phẩm có thể thỏa mãn tốt nhu cầu của khách hàng bằng những cách khác. Ví dụ: email thay thế cho dịch vụ chuyển phát thư; hội thảo trực tuyến thay thế cho việc di chuyển để họp trực tiếp.

Các sản phẩm thay thế sẽ đặt ra biên lợi nhuận tiềm năng của ngành. Vì chúng tác động đến giá sản phẩm.

Trong những ngành có ít sản phẩm thay thế gần gũi, các công ty sẽ có nhiều quyền lực để tăng giá. Khi có nhiều sản phẩm thay thế, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Họ dễ dàng từ bỏ sản phẩm của công ty, và sức mạnh của công ty sẽ suy giảm.

Phân tích mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Samsung

Phân tích mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Samsung

Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter khá dễ hiểu. Để phân tích tốt mô hình này, bạn cần có sự am hiểu về sản phẩm, dịch vụ của ngành, am hiểu ngành và thị trường.

Sau đây, tôi xin giới thiệu mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Samsung trong ngành đồ gia dụng, để bạn hiểu hơn về cách áp dụng công cụ này. Chúng ta sẽ lần lượt phân tích từng yếu tố trong mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter.

Nguồn của bài phân tích: https://www.managementstudyguide.com/porters-five-forces-analysis-of-samsung.htm

Cạnh tranh trong ngành của Samsung

Đây là yếu tố cạnh tranh đặc biệt quan trọng với Samsung. Các đối thủ cạnh tranh như LG, Nokia, Motorola đang khiến áp lực cạnh tranh trở nên khốc liệt. Ngành đồ gia dụng có biên lợi nhuận thấp và áp lực cạnh tranh rất lớn.

Ngoài ra, tại Ấn Độ – thị trường đông dân thứ 2 thế giới, Samsung phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp trong nước và toàn cầu. Đặc biệt là khi các đối thủ trong nước tung ra nhiều sản phẩm giá rẻ hơn so với Samsung.

Rào cản để gia nhập và rút lui khỏi thị trường

Rào cản

Đặc điểm của ngành đồ gia dụng là rào cản gia nhập cao và rào cản rút lui thấp.

Việc thâm nhập các thị trường mới nổi rất khó khăn vì cần thiết lập mạng lưới phân phối, chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, việc rút lui khỏi thị trường lại khá dễ dàng. Các tập đoàn toàn cầu chỉ cần chuyển giao hoặc bán công việc kinh doanh cho một công ty khác. Samsung đã thâm nhập nhiều thị trường mới nổi bằng cách tiếp cận từng bước, và thoát ra khi không có lợi nhuận.

Quyền lực của người mua

Đối với Samsung, yếu tố này mang tính hỗn hợp. Mặc dù người mua có nhiều lựa chọn, nhưng một khi mua sản phẩm của Samsung, họ phải tiếp tục gắn với thương hiệu này vì dịch vụ sau bán hàng và phụ tùng thay thế.

Tuy nhiên, ở các thị trường mới nổi, người mua thực sự có quyền lực với các công ty. Bởi họ là những khách hàng khó tính và tìm hiểu rất kỹ trước khi mua hàng.

Điều này có nghĩa là cả hai bên đều phụ thuộc lẫn nhau trong ngành đồ gia dụng này.

Quyền lực của nhà cung cấp

Các nhà cung cấp trong mô hình 5 áp lực cạnh tranh

Tại nhiều thị trường mà Samsung hoạt động, có nhiều nhà cung cấp sẵn sàng cung ứng sản phẩm cho Samsung, với mức giá ưu đãi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Samsung có quyền lực rất lớn với nhà cung cấp.

Nguyên nhân là vì Samsung tốn rất nhiều chi phí để xây dựng chuỗi cung ứng. Một khi chuỗi cung ứng đã được thiết lập, sẽ rất tốn kém nếu loại bỏ nhà cung cấp ra khỏi chuỗi để thay thế bằng nhà cung cấp khác.

Mối đe dọa từ sản phẩm thay thế

Trong ngành đồ gia dụng, mối đe dọa đến từ sản phẩm thay thế rất cao. Có nhiều sản phẩm thay thế và sản phẩm được sử dụng lâu năm.

Hơn nữa, ở các thị trường mới nổi, người mua không phụ thuộc nhiều vào các thiết bị. Họ vẫn ưa thích các hình thức nội trợ truyền thống, ít dùng đồ điện tử hơn. Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi nhanh chóng để bắt kịp với tốc độ phát triển công nghệ như hiện tại.

Tóm tắt phân tích

Với sự phân tích từng yếu tố của mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter, chúng ta có thể kết luận Samsung có nhiều lợi thế vì đã có vị trí vững chắc tại nhiều thị trường.

Tuy nhiên, mỗi thị trường là duy nhất. Do đó, Samsung cần có cách tiếp cận khác nhau với từng thị trường. Không nên áp dụng một chiến lược kinh doanh cho mọi thị trường.

Kết luận

Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter đưa ra các yếu tố quan trọng nhất khi xem xét bối cảnh cạnh tranh cho doanh nghiệp. Mức độ đe dọa cao thường báo hiệu cho lợi nhuận suy giảm trong tương lai và ngược lại. Một công ty khởi nghiệp có thể dễ dàng xâm nhập thị trường nếu có ít rào cản gia nhập.

Công cụ này được sử dụng rộng rãi vì nó yêu cầu nhà quản lý nhìn sâu vào ngành khi lên chiến lược dài hạn. Tuy nhiên, công cụ này nên được kết hợp với các công cụ quản lý chiến lược khác.

Nếu bạn có thắc mắc về mô hình này, hãy đặt câu hỏi ở phần bình luận để tôi giải đáp.

Nguồn tham khảo:

  1. https://www.investopedia.com/terms/p/porter.asp
  2. https://www.managementstudyguide.com/porters-model-of-competetion.htm
Chia sẻ bài viết: Mô hình 5 áp lực cạnh tranh – Cách sử dụng và ví dụ thực tế
error: Content is protected !!
Scroll Up