?>
25/03/2023

Kỹ năng làm việc dưới áp lực là gì? 8 cách hiệu quả để cải thiện.

Kỹ năng làm việc dưới áp lực là điều mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng tìm kiếm và đòi hỏi ở ứng viên. Nhưng dĩ nhiên, không phải ai cũng thích làm việc dưới áp lực. Những gánh nặng quá mức từ công việc sẽ khiến bản thân người lao động mệt mỏi, kiệt quệ về cả sức khỏe thể chất và tinh thần.

Vậy thì làm sao để có thể cải thiện kỹ năng làm việc dưới áp lực, để đáp ứng điều yêu cầu và tốc độ làm việc ngày càng cao. Trong bài viết này, tôi sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời.

Kỹ năng làm việc dưới áp lực là gì?

Kỹ năng làm việc dưới áp lực là gì?

Kỹ năng làm việc dưới áp lực thể hiện ở khả năng hoàn thành công việc của mình ngay cả khi bạn gặp những tình huống thách thức hoặc trong những điều kiện khắt khe.

Sự căng thẳng này có thể bị tạo ra bởi nhiều yếu tố, ví dụ như các tình huống bất ngờ hoặc các biến cố không thể dự đoán hay kiểm soát được. Tuy nhiên, nó cũng có thể đến từ chính văn hóa công sở, môi trường làm việc của bạn.

Một số tình huống phổ biến gây ra áp lực công việc là:

  • Áp lực về thời gian: Bạn đang thực hiện một dự án có thời hạn gấp.
  • Áp lực chính trị nơi công sở: Bạn cảm thấy mình bị loại khỏi các quyết định quan trọng hoặc ý kiến ​​của bạn không được coi trọng tại nơi làm việc.
  • Áp lực do làm việc quá sức: Bạn phải làm việc quá nhiều và có quá ít thời gian để nghỉ ngơi hay không thể nghỉ phép.
  • Áp lực đến từ xung đột: Bạn có mâu thuẫn, bất đồng với đồng nghiệp, cấp trên hoặc cấp dưới.
  • Áp lực do thay đổi: Công ty hoặc bộ phận của bạn đang trải qua những thay đổi như mua bán, sáp nhập, thu hẹp hay cắt giảm nhân sự.
  • Áp lực đến từ nguồn lực hạn chế: Bạn không có nguồn lực cần thiết để thực hiện công việc của mình, chẳng hạn như thiếu ngân sách hoặc thiếu nhân sự.

Lợi ích của kỹ năng làm việc dưới áp lực

Lợi ích của kỹ năng làm việc dưới áp lực

Từ những nguyên nhân gây áp lực kể trên, chắc hẳn bạn sẽ thấy rằng căng thẳng trong công việc là điều không thể tránh khỏi. Những sự kiện nằm ngoài dự đoán hoặc kiểm soát của bạn luôn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Đó là lý do tại sao bạn cần có kỹ năng làm việc dưới áp lực.

Củng cố và phát triển khả năng làm việc trong tình trạng áp lực sẽ có ích cho bạn trong công việc và sự nghiệp. Nếu bạn chưa nghĩ đến lợi ích của kỹ năng này, thì tôi sẽ gợi ý cho bạn một vài điều rất đáng cân nhắc.

  • Làm việc dưới áp lực một cách tích cực sẽ giúp bạn tập trung hơn, tăng hiệu suất làm việc và giải quyết công việc với nhiều năng lượng và nhiệt huyết.
  • Làm việc dưới áp lực thúc đẩy bạn phát triển nhiều kỹ năng khác, như sáng tạo, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giải quyết vấn đề, lập kế hoạch, làm việc nhóm, giải quyết xung đột, kỹ năng giao tiếp…
  • Làm việc dưới áp lực là kỹ năng mà mọi nhà tuyển dụng đều quan tâm. Nhiều đơn vị coi đây là một kỹ năng bắt buộc phải có ở ứng viên, bởi áp lực công việc ngày càng trở nên phổ biến.

8 cách cải thiện khả năng làm việc dưới áp lực

Sau khi hiểu những lợi ích của kỹ năng làm việc dưới áp lực, đã đến lúc bạn tìm cách để cải thiện nó. Dưới đây là 8 cách mà tôi thấy hiệu quả nhất khi gặp áp lực công việc. Bạn có thể áp dụng một hoặc kết hợp một vài cách, miễn là chúng phù hợp với cá nhân bạn.

Thực hành chánh niệm

Chánh niệm giúp cải thiện kỹ năng làm việc dưới áp lực

Cách làm này đơn giản là giúp bạn tập trung vào hiện tại thay vì lo lắng về việc có thể hoàn thành được công việc hay không. Mỗi khi cảm thấy bản thân bạn đang gặp áp lực công việc, hãy dừng lại một chút, hít thở sâu và tập trung vào từng hơi thở. Thực hành chánh niệm như vậy sẽ giúp bạn bình tĩnh trở lại.

Bạn cũng có thể đi bộ để thư giãn đầu óc, hoặc tập một vài bài tập giãn cơ. Và nhớ là trong khi tập, hãy chỉ tập trung vào việc bạn đang làm, đừng suy nghĩ về công việc. Điều này nghe có vẻ như đang làm mất thời gian của bạn, nhưng không phải như vậy. Bình tĩnh và tập trung sẽ giúp bạn tăng khả năng thích ứng với những khó khăn thử thách.

Xác định thứ tự ưu tiên

Một trong những nguyên nhân khiến bạn gặp căng thẳng trong công việc chính là có quá nhiều việc cần bạn giải quyết. Trong hoàn cảnh này, việc bạn cần làm là xác định thứ tự ưu tiên của công việc.

Hãy nhìn vào danh sách việc cần làm và sắp xếp thứ tự ưu tiên. Chọn ra 3 việc quan trọng nhất để giải quyết trước và tạm quên đi những việc còn lại.

Một công cụ rất hiệu quả mà bạn có thể sử dụng là Ma trận Eisenhower. Công cụ này cho phép bạn sắp xếp tính ưu tiên của công việc dựa trên tính khẩn cấp và tầm quan trọng. Với những việc không quan trọng hoặc không cấp bách, hãy xem có thể giao chúng cho người khác, hoãn lại hay bỏ qua hay không.

Bằng cách này, bạn có cơ hội nhìn lại bản chất của những việc cần làm, đánh giá chúng và làm nhẹ gánh công việc của bạn.

Chia nhỏ công việc

Chia nhỏ công việc

Một dự án lớn có thể khiến bạn choáng ngợp. Vì thế, hãy chia nó ra làm nhiều nhiệm vụ nhỏ cần hoàn thành. Cách làm này sẽ khiến mọi thứ ngăn nắp hơn và giúp bạn nhìn rõ hơn những việc cụ thể cần làm.

Để chia nhỏ công việc, hãy áp dụng kỹ năng lập kế hoạch. Bạn có thể liệt kê các mốc quan trọng của dự án và những việc cần làm để đạt từng cột mốc.

Tập trung vào lý do hoàn thành công việc

Thay vì để những áp lực về thời hạn nhấn chìm bạn, hãy tự hỏi “Tại sao bạn cần hoàn thành công việc này?”. Bằng cách thay đổi tư duy, bạn sẽ tự tạo ra động lực cho mình thay vì chỉ nhìn vào khía cạnh khó khăn của vấn đề.

Một cách nhìn khác mà bạn có thể áp dụng là nhìn nhận sự thử thách của công việc như một cơ hội để bạn phát triển. Bạn càng bị đè nén bao nhiêu thì lực đẩy của bạn sẽ càng phải lớn bấy nhiêu. Hãy nghĩ rằng, khi bạn có thể vượt qua áp lực này, bạn sẽ trở thành một con người mới với tầm nhìn, kiến thức và năng lượng mạnh mẽ gấp bội.

Yêu cầu sự giúp đỡ

xin sự giúp đỡ khi gặp áp lực

Tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác không phải là biểu hiện của sự kém cỏi. “Nhiều cái đầu luôn tốt hơn một cái đầu”. Nếu bạn đang mắc kẹt trong một mớ công việc hỗn độn, hãy nhờ đồng nghiệp xem họ có thể san sẻ một phần công việc của bạn hay không.

Nếu bạn đang không biết phải giải quyết công việc như thế nào, hãy xin sự tư vấn của cấp trên, chuyên gia trong công ty hay đồng nghiệp. Đôi khi, chỉ một sự chỉ điểm của họ cũng có thể giúp bạn gỡ được nút thắt của vấn đề.

Còn nếu như dự án bạn đang làm cần sự phối hợp của nhiều người thì đừng ôm tất cả và làm một mình. Hãy kêu gọi mọi người cùng tham gia và vận dụng kỹ năng giao tiếplàm việc nhóm của bạn. Công việc sẽ bắt đầu được giải quyết ngay thôi.

Đừng trì hoãn

Trì hoãn và căng thẳng tạo nên một vòng luẩn quẩn. Khi bị căng thẳng, bạn thường có xu hướng trì hoãn. Và càng trì hoãn, thì deadline lại càng khiến bạn áp lực hơn.

Để đánh tan sự trì hoãn, hãy chia nhỏ công việc ra và làm từng phần một. Tự đưa ra cho mình một phần thưởng mỗi khi hoàn thành một nhiệm vụ để thúc đẩy bản thân bạn làm việc.

Hãy nhớ rằng, khi bạn làm việc vội vàng vào phút chót, sai sót có thể xảy ra và tạo ra những căng thẳng mới cho bạn. Vì thế, hãy bắt tay vào việc càng sớm càng tốt.

Tách biệt áp lực bên trong và bên ngoài

Một trong những phần quan trọng của kỹ năng làm việc dưới áp lực chính là quản lý căng thằng. Hãy xem xét rõ áp lực đến từ bên trong hay bên ngoài để có cách ứng xử phù hợp.

Áp lực bên trong là những áp lực bạn tự tạo ra cho mình. Chúng có thể đến từ sự cầu toàn hoặc do bạn đặt tiêu chuẩn quá cao cho công việc. Điều này đôi khi rất có lợi vì nó thúc đẩy bạn nỗ lực nhiều hơn và hoàn thành công việc chất lượng hơn. Nhưng đôi khi chúng sẽ tạo ra những căng thẳng không đáng có.

Áp lực từ bên ngoài có thể đến từ cấp trên, đối tác hay gia đình bạn. Bạn không thể kiểm soát những áp lực bên ngoài, nhưng bạn có thể kiểm soát cách bạn phản ứng với chúng.

Duy trì lối sống lành mạnh

Ngủ ngon giúp cải thiện kỹ năng làm việc dưới áp lực

Đây là cách cải thiện kỹ năng làm việc dưới áp lực thường bị mọi người xem nhẹ. Một hình ảnh thường thấy của những người chạy deadline là khuôn mặt bơ phờ, thiếu ngủ, bỏ bữa và làm bạn với cốc cà phê. Nhưng lối sống như vậy chỉ khiến bạn nhanh kiệt quệ và gục ngã trước áp lực mà thôi.

Ngủ đủ giấc có thể là một việc xa xỉ với những người đang phải làm việc dưới áp lực lớn. Nhưng đó là điều rất cần thiết. Theo SleepFoundation, những người thiếu ngủ có nguy cơ mắc lỗi cao hơn và phản ứng chậm hơn. Họ cũng dễ cáu gắt, bực bội và dễ bị căng thẳng hơn người ngủ đủ giấc.

Việc thứ hai bạn cần quan tâm là ăn uống lành mạnh. Ăn đủ bữa, đúng giờ và nạp đủ chất dinh dưỡng là cách tốt nhất để giúp cơ thể bạn có đủ năng lượng để làm việc. Đừng để áp lực công việc khiến bạn kiệt sức, bởi chúng không đáng để bạn đánh đổi sức khỏe.

Cuối cùng, hãy duy trì việc tập luyện thể dục hàng ngày. Nếu bạn quá bận rộn, chỉ 15 phút tập thể dục mỗi ngày cũng đủ để bạn giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và giúp đầu óc thư giãn. Theo Livestrong, tập luyện giúp tăng hiệu suất làm việc của bạn vì nó giúp tăng lưu lượng máu lên não, từ đó khiến bạn tỉnh táo hơn.

Lời kết

Nếu như áp lực công việc là điều không thể tránh khỏi, thì cách tốt nhất để vượt qua nó là làm cho bản thân bạn mạnh mẽ hơn. Hy vọng với những cách mà tôi chia sẻ trong bài viết này, bạn có thể dần dần cải thiện kỹ năng làm việc dưới áp lực của mình. Chúc bạn thành công!

Nguồn tham khảo: CakeResume

Chia sẻ bài viết: Kỹ năng làm việc dưới áp lực là gì? 8 cách hiệu quả để cải thiện
error: Content is protected !!
Scroll Up