8 kỹ năng giao tiếp hiệu quả giúp bạn tự tin trong mọi tình huống.
Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng cần thiết và quan trọng. Sở hữu kỹ năng giao tiếp tốt giúp bạn xây dựng và duy trì các mối quan hệ, phát triển bản thân và có nhiều cơ hội trong công việc.
Trong bài viết này, tôi sẽ gợi ý cho bạn 8 kỹ năng giao tiếp hiệu quả nhất giúp bạn luôn tự tin trong mọi tình huống. Mời bạn tham khảo.
>> Tham khảo: 14 kỹ năng cần có của người lãnh đạo
Kỹ năng giao tiếp là gì?
Kỹ năng giao tiếp là những khả năng bạn sử dụng khi cung cấp và tiếp nhận các loại thông tin khác nhau. Ví dụ như truyền đạt ý tưởng, cảm xúc hoặc cập nhật về một dự án của bạn.
Kỹ năng giao tiếp gồm có lắng nghe, nói, quan sát và đồng cảm.
Tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp là nhu cầu cơ bản của mỗi con người
Một đứa trẻ từ khi còn là thai nhi đã có nhu cầu giao tiếp với cha mẹ bằng cách đạp trong bụng mẹ. Khi chào đời, đứa trẻ giao tiếp với cha mẹ bằng tiếng khóc, tiếng cười. Bởi vậy, giao tiếp được coi là một trong những nhu cầu cơ bản của mỗi con người.
Trong cuộc sống thường ngày cũng như trong công việc, con người kết nối với nhau thông qua giao tiếp. Có thể nói, giao tiếp là sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người.
Giao tiếp giúp bạn nâng cao tri thức, phát triển bản thân
Lắng nghe và đặt câu hỏi là những hành động quen thuộc trong cuộc sống thường ngày của tất cả mọi người. Chúng được diễn ra thông qua quá trình giao tiếp. Việc tiếp nhận và xử lý thông tin sẽ giúp bạn nâng cao vốn kiến thức cho bản thân.
Ngoài ra, tham gia vào quá trình giao tiếp giúp bạn nhận thức được mình thông qua sự đánh giá của người khác. Từ đó, bạn có thể lĩnh hội được các tiêu chuẩn đạo đức, hình thành tinh thần trách nhiệm và nhân cách tốt,… Đồng thời, giao tiếp giúp bạn tìm ra những quan điểm chưa đúng chuẩn mực để thay đổi và cải thiện chính mình.
Giao tiếp giúp bạn cải thiện các mối quan hệ
Trong gia đình, có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp bạn duy trì được mối quan hệ hòa thuận, êm ấm với các thành viên. Bạn sẽ tạo được sự gắn bó với cha mẹ, “giữ lửa” được tình cảm vợ chồng và nhận được sự tôn trọng của con cái.
Trong quan hệ xã hội, sở hữu kỹ năng giao tiếp giúp bạn xây dựng được mối quan hệ tốt với bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên,… Hàng ngày, nếu bạn chú ý để tâm đến câu chuyện hay cảm xúc của họ thì bạn có thể tạo cho họ thiện cảm. Nhờ vậy, các mối quan hệ của bạn sẽ luôn tốt đẹp và bền vững.
Đặc biệt, nếu bạn thường xuyên phải làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp bạn dễ dàng hòa mình vào tập thể. Bạn cũng có thể trao đổi, giải quyết vấn đề phát sinh với đội nhóm một cách nhẹ nhàng hơn.
Giao tiếp giúp bạn có thu nhập tốt hơn
Việc bạn sở hữu kỹ năng giao tiếp tốt cũng đồng nghĩa với việc khả năng thuyết phục của bạn tốt hơn.
Nếu bạn cần kêu gọi vốn hoặc kêu gọi đối tác kinh doanh thì đây chính là một lợi thế. Bạn có thể dễ dàng thuyết phục được họ để đem lại hiệu quả kinh tế tốt nhất cho công việc của mình.
Biểu hiện của kỹ năng giao tiếp tốt
Biết lắng nghe
Kỹ năng lắng nghe là lưu ý đầu tiên của việc giao tiếp hiệu quả.
Lắng nghe người khác nói là hành động thể hiện sự tôn trọng đối với họ. Đây còn là khoảng thời gian để bạn suy nghĩ, nắm bắt vấn đề và thấu hiểu người đối diện mình.
Bạn không nên nói liên tục từ đầu đến cuối. Thay vào đó, hãy lắng nghe những điều đối phương nói một cách tập trung và chân thành nhất. Việc này cũng sẽ giúp cuộc trò chuyện diễn ra suôn sẻ. Đồng thời, bạn sẽ đạt được mục đích giao tiếp của mình.
Biết quan tâm đến đối phương
Khi giao tiếp, bạn cần chú ý đến cảm xúc của người đối diện. Bạn nên tránh các chủ đề nhạy cảm, hoặc những câu hỏi bất lịch sự. Để cuộc nói chuyện không đi vào bế tắc, bạn cần có những lời nói và thái độ phù hợp.
Luôn có thái độ tích cực
Một người có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ luôn biết cách ứng xử trước các tình huống xảy ra.
Để bầu không khí của cuộc nói chuyện luôn thoải mái, bạn cần giữ cho mình thái độ tích cực.
Nếu có những ý kiến trái chiều đưa ra, bạn cần giữ cho cuộc tranh cãi không đẩy lên cao trào. Bên cạnh đó, hãy luôn động viên và khích lệ những người đối diện.
Nói năng rõ ràng, mạch lạc
Điều tối kỵ trong giao tiếp là nói năng không mạch lạc, không đi thẳng vào vấn đề. Muốn truyền tải nội dung được hiệu quả nhất, bạn cần có một giọng nói truyền cảm và diễn đạt logic.
Để làm được điều này, bạn hãy đọc nhiều sách để tăng vốn từ vựng của bản thân và luyện nói thật nhiều. Nói năng một cách rõ ràng, dứt khoát sẽ giúp cho lời nói của bạn trở nên có giá trị.
Thích nghi nhanh chóng với môi trường xung quanh
Để cuộc giao tiếp không bị ngập ngừng, bạn cần thích nghi với hoàn cảnh giao tiếp.
Hãy bắt đầu làm quen với mọi người bằng cách hỏi thăm, đặt câu hỏi hoặc đưa ra những vấn đề thú vị. Nhờ vậy, bầu không khí sẽ bớt gượng gạo và sự giao tiếp cũng đạt hiệu quả cao hơn.
Biết sử dụng nhiều phương thức truyền tải
Trong cuộc giao tiếp, bên cạnh việc sử dụng phương tiện ngôn ngữ, bạn cũng có thể sử dụng thêm các phương tiện khác như hình ảnh, video, âm nhạc,… Cách này sẽ giúp người nghe dễ hình dung và làm cho cuộc giao tiếp của bạn thú vị hơn.
Đây cũng là cách giúp bạn diễn đạt ý kiến của mình một cách trọn vẹn nhất.
8 kỹ năng giao tiếp hiệu quả nhất
Xác định rõ nội dung giao tiếp
Trước bất kì một cuộc giao tiếp nào, bạn hãy xác định rõ những vấn đề mình cần nói. Bạn hãy sắp xếp các luận điệm, luận cứ và ưu tiên nói những gì quan trọng trước.
Hãy chú ý nói vào đúng trọng tâm của vấn đề, tránh nói lan man, dài dòng, thao thao bất tuyệt.
Tích cực lắng nghe
Trong giao tiếp, lắng nghe là việc rất cần thiết. Nó thể hiện sự tôn trọng đối phương cũng như giúp bạn nắm bắt được vấn đề người khác đang nói. Để thể hiện rằng mình đang lắng nghe, bạn có thể mỉm cười, gật đầu, đưa ra phản hồi,…
Lắng nghe sẽ giúp bạn chắt lọc được các thông tin cần thiết và giải đáp được thắc mắc của người đối diện. Nó còn thể hiện bạn là một người ham học hỏi. Mọi người xung quanh cũng sẽ vì vậy mà yêu quý bạn hơn.
Hiểu, quan tâm và tôn trọng đối phương
Khi gặp người mình sẽ nói chuyện cùng, bạn hãy nhanh chóng nhớ tên của họ. Sẽ thật bất lịch sự nếu bạn quên tên của đối phương ngay trong cuộc giao tiếp.
Tiếp đến, bạn cần xác định quan điểm của mình và nội dung mình muốn truyền đạt. Sau đó, tìm hiểu về quan điểm của đối tượng giao tiếp. Nhờ vậy, bạn sẽ hiểu hơn về họ, biết họ muốn nghe những gì để lựa chọn luận điểm, luận cứ một cách hợp lý.
Trong khi nói chuyện, bạn nên tập trung lắng nghe và có thể giao tiếp bằng mắt với đối tượng giao tiếp. Bạn cần tránh làm gián đoạn câu chuyện hoặc bị phân tâm bởi những thứ khác. Việc này sẽ giúp người đối diện cảm thấy được tôn trọng và cởi mở hơn.
Luôn duy trì thái độ tích cực
Mâu thuẫn, căng thẳng là những việc rất khó tránh khỏi trong các cuộc hội thoại. Để tránh việc xung đột bị đẩy lên cao trào, bạn cần giữ cho mình thái độ tích cực. Kể cả khi câu chuyện không đi theo hướng mà bạn mong đợi, bạn vẫn nên tươi cười, lạc quan, vui vẻ.
Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc kiểm soát sự căng thẳng, bạn hãy thử tập thở đều, ngồi thiền, chơi thể thao,…
Thái độ tích cực còn được thể hiện qua ngôn ngữ cơ thể khi giao tiếp. Bạn có thể gật đầu nhẹ, ánh mắt thể hiện sự tập trung khi lắng nghe. Những cử chỉ này thể hiện rằng bạn đang quan tâm đến câu chuyện của người nói, có sự phản hồi và tương tác với họ.
Điều chỉnh giọng nói
Giọng nói rõ ràng, dứt khoát
Sự tự tin là một kỹ năng vô cùng quan trọng trong giao tiếp. Nó được thể hiện qua giọng nói mạch lạc, quyết đoán. Bạn cần luyện tập cách nói to, dứt khoát, không nói quá nhanh và tránh ậm ừ.
Nếu đối tượng giao tiếp đặt câu hỏi cho bạn, hãy trả lời trực tiếp và thẳng thắn. Nếu bạn chưa có câu trả lời ngay, hãy dành ra vài giây suy nghĩ. Bạn tuyệt đối không nên trả lời vòng vo và cần tránh sự ngập ngừng, ấp úng.
Chú ý cách sử dụng ngôn từ
Đối tượng giao tiếp thường thông qua việc sử dụng ngôn từ để đánh giá về bạn. Bạn hãy chú ý chọn lọc những từ ngữ sao cho phù hợp.
Ngoài ra, bạn nên hạn chế hoặc không sử dụng từ ngữ địa phương, bởi có thể người nghe sẽ không hiểu nghĩa của từ ngữ đó.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng của việc giao tiếp là cách phát âm. Bạn cần phát âm một cách tròn vành rõ chữ. Điều này sẽ giúp người nghe dễ dàng nắm bắt nội dung mà bạn muốn truyền đạt. Nó cũng thể hiện rằng bạn là một người tự tin và chuyên nghiệp.
Tiết chế âm lượng
Điều quan trọng nhất là thể hiện rõ những luận điểm mà bạn muốn đưa ra.
Việc nói quá to có thể khiến người nghe cảm thấy bị thiếu tôn trọng hoặc không thoải mái. Nói quá nhỏ lại khiến người nghe không nghe rõ để nắm bắt được nội dung.
Tóm lại, tùy thuộc vào bối cảnh hay khoảng không gian của cuộc trò chuyện mà bạn nên điều chỉnh âm lượng sao cho phù hợp.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể
Ngôn ngữ cơ thể là các hành vi bao gồm những biểu hiện trên gương mặt, tư thế cơ thể, cử động của mắt.
Khi giao tiếp, các hành vi, cử chỉ của bạn đều gây ảnh hưởng đến những người khác. Bởi vậy, bạn cần điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể của mình một cách phù hợp.
Ví dụ: Bạn hướng thẳng người về phía người đối diện, nhìn thẳng vào mắt họ, gật đầu nhẹ, mỉm cười khi lắng nghe, không dùng tay chỉ trỏ,…
Chú ý đến cảm xúc của người khác
Việc chú ý và tôn trọng cảm xúc của đối tượng giao tiếp sẽ giúp bạn nhận được cái nhìn thiện cảm từ họ.
Bạn hãy thử học cách khen ngợi những điểm tích cực của người khác. Đồng thời, hãy thông cảm với những khó khăn họ đang gặp phải.
Bạn cũng cần chú ý đến lời nói của mình vì nó có thể tác động đến chuẩn mực của đối phương.
Điều chỉnh cảm xúc của bản thân
Điều khiển cảm xúc không phải là bỏ qua cảm xúc của bản thân, mà là làm chủ hành vi, thái độ của mình. Nó được xem là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng trong quá trình giao tiếp.
Bạn phải luôn giữ cho mình thái độ bình tĩnh, kể cả khi bạn đang tức giận hoặc hụt hẫng. Đồng thời, bạn không được sử dụng những lời nói hay hành động tiêu cực khi đang giao tiếp với người khác.
Nếu gặp phải vấn đề căng thẳng, bạn hãy thử hít thở sâu, thay đổi tư thế cơ thể và thả lỏng. Làm như vậy có thể giúp bạn ổn định lại cảm xúc về trạng thái ban đầu.
Các lỗi sai cần tránh trong giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp là một kỹ năng quan trọng bạn mà cần học hỏi và rèn luyện mỗi ngày. Để những người xung quanh không lưu lại những ấn tượng xấu về mình, bạn cần chú ý tránh mắc phải các lỗi sau đây:
- Cướp lời người khác khi đang nói chuyện.
- Đột ngột chuyển hướng câu chuyện.
- Sử dụng ngôn ngữ thô tục, trái đạo đức.
- Có thái độ coi thường người khác.
- Khơi gợi chuyện cũ, chuyện đau lòng của người đối diện.
- Nói năng dài dòng, lan man khiến người nghe khó hiểu.
- Nói thao thao bất tuyệt, không lắng nghe ý kiến của mọi người.
- Không tiếp thu, không phản hồi lại ý kiến của những người xung quanh.
- Thì thầm với một vài người trong một cuộc thảo luận chung.
- Giọng nói lí nhí, ậm ừ khi thuyết trình hay trao đổi với khách hàng, cấp trên, đồng nghiệp.
Hy vọng bài viết của tôi sẽ mang lại thông tin hữu ích giúp bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp hiệu quả. Cảm ơn bạn đã đọc bài!