?>
09/11/2023

Personal branding là gì? Quy trình xây dựng thương hiệu cá nhân 7 bước.

Con người thường có xu hướng nghe và làm theo lời khuyên, hướng dẫn của những người mà họ tin tưởng. Sức ảnh hưởng của các KOL, KOC, người nổi tiếng là một minh chứng rõ ràng về điều này, phải không?

Đó cũng chính là ví dụ nổi bật nhất về lợi ích của thương hiệu cá nhân (personal brand). Đối với mỗi người, việc xây dựng một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ và độc đáo có thể tạo ra sự khác biệt và giúp bạn thu hút đối tác, nhà tuyển dụng, khách hàng… Từ đó, làm tăng thêm lợi thế cạnh tranh của bạn.

Vậy thì làm thế nào để xây dựng thương hiệu cá nhân một cách chuyên nghiệp. Trong bài viết này, tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu về khái niệm “Personal branding” là gì và quy trình 7 bước để xây dựng một thương hiệu cá nhân thành công. Hãy cùng khám phá!

Personal branding là gì?

Thương hiệu cá nhân

Personal branding là một thuật ngữ ngày càng phổ biến trong kinh doanh và tiếp thị hiện đại. Nhưng bạn có biết chính xác personal branding là gì và tại sao nó lại quan trọng đối với sự phát triển cá nhân và sự nghiệp của bạn?

Personal branding là quá trình xây dựng và quản lý hình ảnh cá nhân của một người. Đây là cách mà bạn định nghĩa bản thân mình trước công chúng và tạo dựng một dấu ấn độc đáo trong tâm trí của người khác. Personal branding không chỉ đơn thuần là về việc tạo dựng một hình ảnh đẹp mà còn là về việc thể hiện giá trị và kỹ năng của bạn.

Vậy thì xây dựng thương hiệu cá nhân (personal branding) mang lại những lợi ích gì cho cá nhân và cho sự nghiệp của bạn. Trước đi đi tìm hiểu về cách xây dựng, hãy cùng điểm qua những tác dụng của một thương hiệu cá nhân chuyên nghiệp mang lại cho bạn là gì nhé.

Lợi ích khi xây dựng thương hiệu cá nhân thành công

Xây dựng hình ảnh cá nhân như một chuyên gia

Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, thương hiệu cá nhân đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công cá nhân và nghề nghiệp của mỗi người. Thương hiệu cá nhân là cách mà chúng ta hiển thị và giao tiếp giá trị của mình với thế giới xung quanh.

Dưới đây là 5 lý do hàng đầu giải thích tại sao bạn nên xây dựng thương hiệu cá nhân.

Tạo ra một vị thế riêng có

Thương hiệu cá nhân giúp bạn tạo ra một vị thế của riêng bạn trong thị trường lao động cạnh tranh. Bằng cách định vị bản thân và đưa ra những cái nhìn riêng, bạn sẽ tạo ra sự khác biệt với những người khác.

Điều này giúp bạn được nhìn nhận là một chuyên gia trong lĩnh vực của mình và thu hút sự chú ý từ nhà tuyển dụng và khách hàng tiềm năng.

Xác định giá trị cá nhân

Xây dựng thương hiệu cá nhân giúp bạn định rõ giá trị cá nhân mà bạn mang đến cho mọi người. Bằng cách nắm vững những điểm mạnh và kỹ năng đặc biệt của bản thân, bạn có thể gửi đi thông điệp rõ ràng về những gì bạn cung cấp. Điều này giúp bạn tạo lòng tin và tạo sự thân thiện với khách hàng, đồng nghiệp và nhà tuyển dụng.

Xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp

Thương hiệu cá nhân không chỉ giúp bạn xây dựng danh tiếng cá nhân mà còn giúp bạn mở rộng mạng lưới chuyên nghiệp. Bằng cách tạo dựng một hình ảnh chuyên nghiệp và gửi đi thông điệp sáng tạo, bạn có thể thu hút sự quan tâm và kết nối với những người có cùng sở thích và mục tiêu nghề nghiệp. Điều này mở ra cơ hội mới và giúp bạn phát triển mạng lưới chuyên nghiệp của mình.

Tăng cường sự tự tin

Khi bạn xây dựng thương hiệu cá nhân, bạn tự tin hơn trong việc thể hiện giá trị cá nhân và tài năng của mình. Bạn có thể tự tin hơn khi tham gia vào các cuộc phỏng vấn, thuyết trình và giao tiếp với người khác.

Sự tự tin này sẽ phản ánh lên công việc và sự nghiệp, giúp bạn tiến xa hơn và đạt được thành công lớn hơn.

Xây dựng lòng tin và lòng trung thành

Tạo thương hiệu cá nhân giúp bạn có được niềm tin của mọi người

Thương hiệu cá nhân được xây dựng dựa trên lòng tin và lòng trung thành. Khi bạn định rõ giá trị cá nhân và tuân thủ những nguyên tắc mà bạn đặt ra, bạn tạo ra lòng tin và lòng trung thành từ khách hàng, đồng nghiệp và nhà tuyển dụng. Những mối quan hệ này có thể trở thành những cơ hội mới và hỗ trợ bạn trong việc phát triển sự nghiệp của mình.

Tóm lại, xây dựng thương hiệu cá nhân là một yếu tố quan trọng đối với sự thành công cá nhân và nghề nghiệp. Nó giúp bạn tạo sự khác biệt và định rõ giá trị cá nhân, mở ra cơ hội kết nối và tăng cường sự tự tin.

Hãy đầu tư thời gian và nỗ lực để xây dựng một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ và đạt được thành công trong sự nghiệp của bạn.

Tiếp theo, tôi sẽ gợi ý cho bạn một cách xây dựng thương hiệu cá nhân với quy trình 7 bước. Mời bạn tiếp tục theo dõi bài viết.

Cách xây dựng thương hiệu cá nhân với 7 bước

Chúng ta thường dễ dàng bắt gặp những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Họ sử dụng hình ảnh cá nhân, bài viết trên mạng xã hội như Facebook, Instagram hay LinkedIn để tạo thương hiệu cá nhân và họ thành công.

Tuy nhiên, nguyên lý đằng sau việc xây dựng thương hiệu cá nhân thành công không đơn giản như vậy. Bạn cần có một chiến lược, quy trình đúng đắn để dẫn dắt bạn trên hành trình này. Và sau đây là 7 bước cụ thể để bạn bắt đầu:

Bước 1: Xác định rõ bạn là ai?

Xác định bạn là ai trước khi tạo dựng thương hiệu của bạn

Nguyên tắc quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân là “chân thật”.

Nhiều người cho rằng cần xây dựng hình ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội mới là xây dựng thương hiệu cá nhân. Điều đó hoàn toàn không đúng, vì thương hiệu cá nhân không chỉ nằm ở vẻ bề ngoài.

Bạn không thể tạo dựng một hình ảnh cá nhân không phải là bạn. Bạn cũng không cần phải bắt chước phong cách, thái độ… của người khác. Đơn giản, “hãy là chính mình”.

Xây dựng thương hiệu cá nhân là gì? Đó chính là sự thể hiện con người đích thực của bạn một cách có mục đích và chiến lược với khán giả. Thương hiệu cá nhân phải phản ánh chân thực các kỹ năng, niềm đam mê, giá trị và niềm tin của bạn.

Xác định tài sản để xây dựng thương hiệu cá nhân

Để xây dựng nền tảng thương hiệu cá nhân vững chắc, hãy bắt đầu bằng việc liệt kê những gì bạn có. Nói cách khác, hãy liệt kê “tài sản” của bạn.

  • Kỹ năng và bằng cấp: Bạn có những kỹ năng nào, được đào tạo, có chứng chỉ, bằng cấp hay giải thưởng nào?
  • Đam mê và sở thích: Bạn quan tâm đến một lĩnh vực, ngành nghề hay chủ đề nào nhất? Bạn đam mê điều gì?
  • Giá trị cốt lõi và niềm tin: Những giá trị cốt lõi quan trọng nhất của bạn là gì? Bạn tin vào những điều gì? Bạn đại diện cho cái gì và chống lại điều gì?

Điểm giao nhau của những tài sản này chính là nơi bạn xây dựng thương hiệu cá nhân của mình.

Xác định các yếu tố nền tảng thương hiệu cá nhân

yếu tố nền tảng thương hiệu cá nhân

Khi bạn đã xác định được những gì bạn có để xây dựng personal brand, hãy xác định các yếu tố nền tảng cho thương hiệu cá nhân của bạn. Hãy ghi nhớ chung, vì chúng sẽ giúp bạn ra các quyết định quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân.

  • Tầm nhìn thương hiệu: Bạn muốn được người khác biết đến vì điều gì? Nếu bạn được biết đến như một chuyên gia hàng đầu về một chủ đề thì chủ đề sẽ là gì?
  • Sứ mệnh thương hiệu: Vì sao bạn muốn xây dựng thương hiệu cá nhân? Mục đích của bạn là gì? Bạn muốn mình có tầm ảnh hưởng đến ai? Bạn muốn thực hiện những điều gì?
  • Thông điệp thương hiệu: Thông điệp chính bạn muốn truyền đạt tới khán giả là gì? Đâu là thông điệp mà bạn muốn thể hiện một cách nhất quán trong nội dung và hoạt động tiếp thị của mình? Nếu bạn chỉ có thể đưa ra một lời khuyên cho khán giả của bạn thì đó sẽ là gì?
  • Tính cách thương hiệu: Đặc điểm và tính cách cá nhân nào mà bạn có thể đưa vào thương hiệu của mình? Ví dụ: Bạn muốn được coi là một người lịch sự, chuyên nghiệp, hay một người cởi mở, có tính phiêu lưu, ưa thích khám phá…

Bước 2: Xác định đối tượng mục tiêu

Xác định đối tượng mục tiêu khi xây dựng thương hiệu cá nhân personal branding

Ảnh: Bizfly

Một trong những sai lầm lớn nhất khi xây dựng thương hiệu cá nhân là cố gắng thu hút tất cả mọi người. Bạn sẽ không thể làm được điều đó đâu. Vì không phải ai cũng thích câu chuyện của bạn và không phải tất cả mọi người đều cần sản phẩm, dịch vụ bạn cung cấp.

Chúng ta sẽ thu hút những người xung quanh giống với mình, có tính cách, đặc điểm, nỗi đau hay mong muốn, khát vọng… giống mình. Những người này dễ dàng cảm nhận và kết nối với bạn, vì họ tìm thấy sự tương đồng.

Đó là lý do tại sao ở bước 2 này, bạn cần xác định rõ bạn hướng tới đối tượng khách hàng nào. Hãy vẽ chân dung khách hàng của bạn, càng rõ nét và cụ thể càng tốt.

Dưới đây là một số gợi ý của tôi để giúp bạn vẽ chân dung khách hàng mục tiêu:

  • Nhân khẩu học: Độ tuổi, giới tính, trình độ, nghề nghiệp, thu nhập, khu vực sinh sống… của khách hàng là gì?
  • Mong muốn và khát vọng: Khách hàng của bạn có những mong muốn nào cần được đáp ứng? Họ có mục tiêu, khát vọng hay mong cầu nào muốn đạt được?
  • Vấn đề và nỗi đau: Vấn đề gì đang cản trở họ đang được mong muốn và khát vọng? Họ có nỗi đau gì cần được giải quyết?

Bước 3: Tạo ra sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng không thể cưỡng lại

Bạn tạo thương hiệu cá nhân để bán sản phẩm dịch vụ gì

Dĩ nhiên bạn sẽ không bán hàng ngay khi bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân. Nhưng bạn cần phải nghĩ về điều này ngay từ khi lên kế hoạch personal branding. Vì suy cho cùng, mục đích của việc tạo dựng thương hiệu cá nhân vẫn là để cung cấp một sản phẩm, dịch vụ nào đó cho khách hàng mục tiêu.

Dựa trên chân dung khách hàng bạn đã xác định được ở bước 2, hãy tạo ra một sản phẩm, dịch vụ nào đó có thể giải quyết được vấn đề của họ. Bạn lưu ý rằng bạn cần tạo ra sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng cần, chứ không phải sản phẩm, dịch vụ mà bạn muốn. Hãy phục vụ khách hàng của bạn.

Tiếp theo, dựa trên những điều bạn đã biết về bạn (bước 1) và điều bạn biết về khách hàng (bước 2), tạo ra một sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng “không thể cưỡng lại”. Nó chính là sự kết hợp của:

  • Điều bạn thích làm
  • Điều bạn làm tốt nhất
  • Điều khán giả của bạn mong muốn nhất

Sau đó, trong quá trình phát triển thương hiệu, hãy thể hiện rõ cho họ thấy sản phẩm, dịch vụ của bạn là gì. Và chúng có thể giải quyết vấn đề gì của khách hàng.

  • Bạn làm nghề gì? Đề xuất giá trị (value proposition) của bạn là gì để đổi lại sự chi trả của khách hàng?
  • Bạn làm nó như thế nào? Đặt một cái tên độc nhất cho sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp. Hãy giải thích cho khách hàng hiểu về sản phẩm hay cách thức bạn thực hiện dịch vụ của mình.

Bước 4: Xây dựng và phát triển trang web cá nhân của bạn

phát triển trang web cá nhân là một cách xây dựng thương hiệu cá nhân

Hầu hết mọi người khi nghĩ đến việc tạo dựng thương hiệu cá nhân đều nghĩ đến các trang mạng xã hội đầu tiên. Nhưng hãy nghĩ theo hướng này. Bạn không sở hữu các nền tảng mạng xã hội, nhưng với website, bạn hoàn toàn sở hữu và kiểm soát nó.

Vì thế, trước khi xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội, hãy xây dựng một website của riêng bạn. Nó sẽ là nơi bạn giới thiệu với khách hàng bạn là ai, bạn có những kỹ năng và kinh nghiệm gì?

Với kinh nghiệm của tôi khi xây dựng website phunganhtuan.com này, tôi thấy rằng website là cách tốt nhất để thể hiện chuyên môn của mình.

Khi bạn viết bài trên website cá nhân, các bài viết của bạn được lưu trữ trên một nền tảng mà bạn sở hữu và kiểm soát. Người đọc sẽ dễ dàng truy cập và tìm kiếm các bài viết chuyên sâu của bạn. Họ cũng hoàn toàn có thể quay lại đọc bài viết nếu họ cần. Hơn nữa, trên website, bạn sẽ dễ dàng format bài viết một cách dễ đọc, bổ sung nhiều hình ảnh, bảng biểu, đồ thị để minh họa cho bài viết chuyên môn của mình.

Ngược lại, các bài viết trên các trang mạng xã hội của bạn dễ bị trôi đi. Việc tìm kiếm các bài viết cũ không hề dễ dàng, nếu như bạn có rất nhiều bài viết và thường xuyên đăng bài. Và hơn thế, người đọc trên mạng xã hội thường ít khi đọc các nội dung chuyên môn dài vài ngàn từ, phải không?

Tóm lại, nếu bạn chưa có một website cá nhân của bản thân bạn, hãy làm ngay nhé.

Bước 5: Xây dựng chiến lược nội dung

Xây dựng chiến lược nội dung

Ảnh: PostLab

Tạo và cung cấp nội dung miễn phí là một trong những cách tốt nhất để thu hút khách hàng mục tiêu của bạn. Lưu ý rằng những gì bạn cung cấp phải hữu ích và giúp người đọc, người xem giải quyết được vấn đề nào đó. Hay nói cách khác, bạn đang trao giá trị bản thân mình cho khách hàng. Khi đó, bạn sẽ tạo được niềm tin và dần định vị bản thân như một chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Tuy nhiên, đừng làm nội dung một cách tràn lan và ngẫu nhiên. Định vị thương hiệu cần dựa trên một chiến lược hợp lý. Sau đây là một số gợi ý của tôi trong việc xây dựng nội dung:

Lên danh sách các chủ đề hữu ích cho đối tượng mục tiêu

Việc này xuất phát từ việc bạn vẽ được một chân dung khách hàng rõ ràng và hiểu về mong muốn, nhu cầu, vấn đề, nỗi đau của họ (bước 2).

Tùy thuộc vào nền tảng mà bạn muốn phát triển thương hiệu cá nhân mà bạn lựa chọn các công cụ nghiên cứu từ khóa phù hợp. Nếu bạn không rành việc này, hãy tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia.

Ngoài ra, bạn có thể theo dõi các diễn đàn chuyên môn, các chuyên gia trong lĩnh vực của bạn để xem họ đang xây dựng nội dung về chủ đề gì.

Quyết định loại nội dung và nền tảng phát triển thương hiệu cá nhân

Lựa chọn loại nội dung và nền tảng

Có rất nhiều loại nội dung cũng như nền tảng để bạn cung cấp thông tin hữu ích như blog, Facebook, LinkedIn, Youtube…

Bạn không nhất thiết phải tạo nội dung cho mọi nền tảng. Việc lựa chọn nền tảng tùy thuộc vào lĩnh vực. Đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn thường xuất hiện ở đâu thì bạn cung cấp nội dung ở đó.

Khi mới bắt đầu, tốt nhất bạn chỉ nên tạo 1-2 loại nội dung (tương ứng là 1-2 nền tảng). Khi bạn đã được nhiều người biết đến, hãy mở rộng các kênh phân phối nội dung.

Một số loại nội dung phổ biến là:

  • Bài viết
  • Video
  • Podcast
  • Khóa học
  • Tài liệu điện tử
  • Nghiên cứu

Một số phương tiện để bạn cung cấp nội dung hữu ích:

  • Website/blog
  • Youtube
  • Các thư mục podcast
  • Email
  • Webinar
  • Mạng xã hội (Facebook, LinkedIn,…)

Một lưu ý khi xây dựng nội dung là hãy tạo nội dung chất lượng, giá trị, hình ảnh chuyên nghiệp và nhất quán trên các nền tảng. Sáng tạo nội dung là một hành trình lâu dài và có thể tốn kém cả về thời gian, tiền bạc và các nguồn lực khác. Hãy kiên nhẫn và bền bỉ.

Bước 6: Gia tăng sự hiện diện của bạn

Tham dự hội thảo với tư cách chuyên gia

Như tôi đã viết ở trên, bạn cần thời gian để có thể được nhiều người biết đến thông qua các nền tảng mà bạn cung cấp nội dung. Vì thế, có một cách nữa để được những người xung quanh chú ý là tiếp xúc với khách hàng của người khác.

Dĩ nhiên, việc này cũng không hề dễ dàng, nhưng nó lại rất hữu ích trong việc tạo dựng thương hiệu cá nhân. Hãy dựa vào các mối quan hệ của bản thân để tìm kiếm cơ hội.

Nhưng lưu ý rằng, những nơi bạn xuất hiện phải có đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn nhé. Đừng xuất hiện ở mọi nơi vì khán giả sẽ không quan tâm nếu họ không liên quan đến giá trị mà bạn cung cấp.

Bạn hãy tham khảo một số ý tưởng dưới đây:

  • Tìm kiếm cơ hội phỏng vấn với vai trò chuyên gia khách mời trong webinar, podcast, hội thảo, phỏng vấn cho tạp chí, truyền hình.
  • Đăng ký trình bày nội dung tại các hội thảo, hội nghị.
  • Viết bài cho các website hay blog khác trong lĩnh vực của bạn.

Bước 7: Xây dựng cộng đồng

Xây dựng cộng đồng

Xây dựng một cộng đồng là một trong những bước có tác động mạnh nhất trong quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân (personal branding).

Thông thường, khi đến bước này, bạn đã xây dựng hình ảnh cá nhân ở một mức độ nào đó rồi. Bạn đã được nhiều người biết đến, có tầm ảnh hưởng hơn đối với tệp khách hàng mục tiêu hoặc có các mối quan hệ với những người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực của bạn.

Khi đó, việc xây dựng cộng đồng xung quanh thương hiệu cá nhân sẽ giống như việc mở rộng hoạt động kinh doanh vậy. Nó cũng sẽ giúp bạn trao được nhiều giá trị hơn cho khách hàng hay các fan trung thành của bạn.

Một số gợi ý mà bạn có thể tham khảo là:

  • Xây dựng nhóm Facebook: Tăng sự tương tác giữa bạn với khách hàng và tạo cơ hội cho khách hàng của bạn tương tác với nhau. Bạn có thể tạo nhóm mở hoặc nhóm riêng tư, miễn phí hoặc có phí tham gia.
  • Tổ chức sự kiện offline: Đó có thể chỉ đơn giản là một buổi cà phê cuối tuần để trò chuyện, hay là một buổi hội thảo có sự tham gia của các khách mời danh giá. Sự kiện offline sẽ khiến bạn trở nên gần gũi hơn với những người “follow” bạn.
  • Trang web thành viên hoặc Youtube có tính phí: Đây là hình thức khá phổ biến tại nước ngoài. Các thành viên (thường là fan trung thành) sẽ trả phí đăng ký định kỳ để được tiếp cận với các nội dung hoặc chương trình độc quyền, có giá trị hơn. Họ cũng dễ dàng trao đổi với nhau và hỗ trợ nhau trong một cộng đồng có chọn lọc hơn.

Lời kết

Trong bài viết này, tôi đã chia sẻ với bạn về khái niệm và các bước xây dựng thương hiệu cá nhân (personal branding). Hy vọng với những thông tin này, bạn đã có cái nhìn tổng quan về personal branding và có thể bắt đầu hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân của mình.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây là một quá trình dài hơi và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Đồng thời cần thường xuyên cập nhật và điều chỉnh để phù hợp với tình hình thị trường và mục tiêu cá nhân.

Chúc bạn thành công và trở thành một cái tên có sức ảnh hưởng trong ngành của mình.

Nguồn tham khảo: Thinkific

 

Chia sẻ bài viết: Personal branding là gì? Quy trình xây dựng thương hiệu cá nhân 7 bước
error: Content is protected !!
Scroll Up