?>
28/02/2023

Tư duy sáng tạo là gì? 5 phương pháp tư duy và cách rèn luyện.

Tư duy sáng tạo hay khả năng đưa ra những phương án, ý tưởng mới lạ, chưa từng xuất hiện. Nếu bạn nghĩ đây là tư duy chỉ có ở những nhà phát minh hay những người làm nghệ thuật thì bạn đã nhầm. Sự sáng tạo có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trong cuộc sống, ở bất kỳ công việc gì.

Vậy thì có những phương pháp nào để tư duy sáng tạolàm sao để rèn luyện kỹ năng này? Hãy theo dõi bài viết này của tôi để tìm ra câu trả lời.

Tư duy sáng tạo là gì?

Tư duy sáng tạo là gì?

Tư duy sáng tạo, tiếng Anh là creative thinking, là khả năng đưa ra cách giải quyết mới cho vấn đề. Kỹ năng tư duy sáng tạo là những kỹ thuật, phương pháp được sử dụng để nhìn nhận vấn đề dưới những góc nhìn mới. Từ đó, đánh giá vấn đề theo nhiều chiều khác nhau và đưa ra một giải pháp cụ thể.

Ví dụ về tư duy sáng tạo

Có rất nhiều ví dụ về sáng tạo trong cuộc sống và trong công việc. Bạn có thể thấy sự sáng tạo trong những video bán hàng mang tính giải trí trên Tiktok hay các biển hiệu quảng cáo ngoài trời khác lạ và gây sự chú ý của người đi đường.

Một ví dụ khác chính là việc hãng bia Heineken game hóa quá trình phỏng vấn của họ. Hãng bia yêu cầu ứng viên xem một video và trả lời một loạt câu hỏi để biết được loại tính cách của mình. Câu chuyện về sự phát triển của thương hiệu được lồng ghép xuyên suốt video đó. Nó vừa giúp hãng này tuyển dụng ứng viên mà vừa có thể quảng bá thương hiệu.

Các loại tư duy sáng tạo

Có nhiều loại tư duy sáng tạo

Có 5 loại tư duy sáng tạo sau đây. Mỗi loại có những đặc điểm riêng và có thể sử dụng trong những tình huống riêng biệt.

  • Tư duy phân kỳ – Divergent thinking. Đòi hỏi bạn sử dụng trí tưởng tượng để đưa ra càng nhiều giải pháp càng tốt.
  • Tư duy hệ thống – System thinking. Đây là cách tiếp cận vấn đề như một tổng thể, và nhìn vào sự tương tác giữa các thành phần. Nó cho phép bạn nhìn vào các chu kỳ, cấu trúc tổng thể, thay vì chỉ nhìn vào các sự kiện, thành phần riêng lẻ.
  • Tư duy truyền cảm hứng – Inspirational thinking. Bạn tưởng tượng các tình huống tốt nhất để tìm ra cách mới để giải quyết vấn đề.
  • Tư duy đường vòng (hay tư duy ngoại biên) – Lateral thinking. Liên quan đến việc để các ý tưởng để giải quyết vấn đề một cách gián tiếp, bỏ qua lối suy nghĩ thông thường.
  • Tư duy thẩm mỹ – Aesthetic thinking. Tập trung vào việc định hình lại vấn đề để thấy được vẻ đẹp và giá trị vốn có của nó.

Đặc điểm của tư duy sáng tạo

Đặc điểm của con người sáng tạo

Những người sở hữu khả năng tư duy sáng tạo thường có những đặc điểm sau đây:

  • Tò mò
  • Có tư duy mở
  • Linh hoạt, thoải mái và cởi mở
  • Nhạy cảm
  • Nghịch ngợm, thích nghiên cứu
  • Độc lập
  • Mạo hiểm, dám chấp nhận rủi ro
  • Có trực giác nhạy bén
  • Kỹ lưỡng, tỉ mỉ
  • Khách quan
  • Nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng

Lợi ích của tư duy sáng tạo

Sáng tạo xuất hiện trong mọi mặt của cuộc sống con người. Vì thế, nó có thể giúp bạn trở thành một nhân viên xuất sắc hơn, một học sinh giỏi hơn, một người cha người mẹ tuyệt vời hơn…

Vậy kỹ năng tư duy sáng tạo có lợi ích gì? Hãy tham khảo một số tác dụng dưới đây.

Nâng cao khả năng giải quyết vấn đề

Lợi ích của kỹ năng tư duy sáng tạo là gì?

Có rất nhiều vấn đề trong cuộc sống và công việc đòi hỏi những cách giải quyết mới. Khả năng tư duy sáng tạo sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau. Những cách tiếp cận mới có thể tạo ra cách thức mới để giải quyết vấn đề. Từ đó, tiết kiệm được thời gian và nguồn lực.

Bất kể bạn là một nhà lãnh đạo hay nhân viên, khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo sẽ giúp bạn nhận được nhiều sự tôn trọng, công nhận và khen ngợi.

Nâng cao hiệu quả giao tiếp

Tư duy sáng tạo được ứng dụng trong giao tiếp sẽ giúp bạn có thể truyền đạt ý tưởng rõ ràng hơn. Điều đó giúp nâng cao hiệu quả công việc và gắn kết bạn với những người xung quanh.

Hãy thử tưởng tượng, giữa một người chỉ biết suy nghĩ theo lối mòn và một người hay có những ý tưởng mới lạ, độc đáo, bạn sẽ thích người nào hơn.

>> Có thể bạn quan tâm: 8 kỹ năng giao tiếp hiệu quả trong mọi tình huống

Tăng năng suất lao động

Tăng hiệu quả công việc

Những người sáng tạo thường daydreaming, hay tập trung vào một vấn đề nào đó rất lâu. Bạn có thể sẽ thấy điều đó mất thời gian và làm giảm hiệu suất công việc.

Nhưng sẽ ra sao nếu họ đưa ra được một ý tưởng có tính ứng dụng cao, một quy trình làm việc mới, một cách làm mới giúp tiết kiệm thời gian sản xuất. Chắc chắn lúc đó sự sáng tạo sẽ giúp hiệu suất làm việc được tăng lên rất nhiều lần, phải không nào?

Nâng cao sự tự nhận thức về bản thân

Khả năng sáng tạo cho phép bạn thử những lối suy nghĩ mà bạn chưa từng áp dụng trước đây. Nó sẽ giúp bạn phát hiện ra những quan điểm mới, giả định mới. Lối suy nghĩ “ngoài chiếc hộp” – out-of-the-box còn có thể giúp bạn phá tan những định kiến trước đó của bản thân.

Thách thức những cách nghĩ truyền thống sẽ giúp bạn nâng cao sự tự nhận thức về bản thân và xây dựng trí tuệ cảm xúc. Đây cũng là một phần quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng quản trị bản thân của bạn.

Phương pháp tư duy sáng tạo

Sáng tạo không hắn là đưa ra một thứ gì hay một ý tưởng mới mẻ từ hư không. Có những người làm được như vậy. Nhưng nếu bạn không thuộc nhóm người đó, thì có các phương pháp hay mô hình tư duy để giúp bạn sáng tạo.

Sau đây là một vài phương pháp phổ biến nhất. Bạn hãy tham khảo và thử áp dụng.

Vẽ sơ đồ tư duy (Mind-mapping)

Mindmap

Sơ đồ tư duy là một cách phát triển sự sáng tạo tuyệt vời cho những người thích học qua hình ảnh. Quá trình lập sơ đồ sẽ cho bạn thấy nhiều cách kết nối những ý tưởng mà bạn chưa từng nghĩ đến.

Nếu bạn đang bị rối loạn trong quá nhiều luồng thông tin, vẽ mindmap cũng là cách để bạn sắp xếp lại mọi thứ. Từ đó, bạn có thể dễ dàng hệ thống lại thông tin và rút ra kết luận.

Brainstorm – Động não

Đây là một phương pháp tư duy đơn giản và quen thuộc nhất khi làm việc nhóm. Bạn có thể tập hợp một nhóm người và cùng động não để đưa ra nhiều phương án khác nhau. Khi có nhiều giải pháp tiềm năng, bạn có cơ hội tìm ra được giải pháp chất lượng nhất, hoặc kết hợp các ý tưởng với nhau.

Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy

Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy

“6 chiếc mũ tư duy” là một phương pháp được thiết kế bởi Edward de Bono. Đây là cách tiếp cận thú vị khi bạn cần tìm ra giải pháp cho vấn đề.

Mỗi chiếc mũ có một vai trò khác nhau. Việc của bạn là lần lượt chuyển hướng suy nghĩ bằng cách đổi từ chiếc mũ này qua chiếc mũ khác. Cũng giống như SWOT, đây là một khung hướng dẫn bạn cách tư duy.

Mỗi chiếc mũ sẽ tượng trưng cho điều gì:

  • Mũ trắng – Xét đến sự thật, những thông tin mà bạn đã biết.
  • Mũ đỏ – Xem xét đến khía cạnh cảm xúc, linh tính và ý kiến của bạn về vấn đề đó.
  • Mũ vàng – Mặt tươi sáng, tích cực của vấn đề là gì. Những lợi ích và giá trị mà nó mang lại.
  • Mũ đen – Là chiếc nón tiêu cực. Nghĩa là, khi đội mũ màu đen, bạn sẽ suy nghĩ về những trở ngại, thách thức và rủi ro tiềm ràng có thể phát triển từ vấn đề đang xem xét. Hiểu về khía cạnh này sẽ cho bạn sự chuẩn bị hợp lý.
  • Mũ xanh lá – Tượng trưng cho sự sáng tạo, tiềm năng, các ý tưởng mới. Sau khi có 4 chiếc mũ trên rồi, đã hiểu về các khía cạnh của vấn đề, thì đây là lúc đề xuất giải pháp mới.
  • Mũ xanh dương – Vai trò của chiếc mũ này là quản lý và kiểm soát. Khi đội chiếc mũ này, bạn sẽ kiểm tra lại xem vấn đề đã được nhìn nhận từ mọi khía cạnh chưa, có cân bằng giữa thực tế và lý tưởng không.

Bằng việc sử dụng phương pháp 6 chiếc mũ, bạn sẽ có thể tạo ra những giải pháp mới một cách thiết thực và toàn vẹn. Đó không chỉ là những ý tưởng viển vông, mà sẽ là kết quả của việc tư duy, xem xét đầy đủ các khía cạnh của vấn đề.

Tư duy ngoại biên

Suy nghĩ đường vòng

Tư duy ngoại biên, hay còn gọi là tư duy đường vòng, là cách giải quyết vấn đề gián tiếp, không theo cách tiếp cận logic thông thường. Bản chất của phương pháp này là bạn hãy thử đặt mình ở một góc nhìn khác hoặc lật ngược vấn đề để nghĩ khác đi.

Chắc hẳn câu chuyện dưới đây rất quen thuộc với bạn.

“Một người bị mất gà mà không tìm ra được thủ phạm nên chửi bới om sòm nhiều ngày. Dân làng khó chịu nên nhờ quan xử lý. Vị quan yêu cầu tất cả mọi người tát vào mặt người bị mất gà, để trừng phạt tội bà ta quấy rối làng xóm. Mọi người vì thương tình nên chỉ đánh cho có lệ. Riêng kẻ trộm gà tức giận vì bị chửi bới nhiều ngày, nên tát bà ta thật mạnh. Nhờ đó mà vị quan đã tìm ra được thủ phạm ăn trộm gà”.

Cách xử lý của vị quan trong câu chuyện trên chính là một ví dụ của khả năng sáng tạo với lối tư duy đường vòng.

Phân tích SWOT

Ma trận SWOT

SWOT là một công cụ thường được dùng trong kinh doanh. Nhưng bạn có thể dùng nó như một khung hướng dẫn cách tư duy. SWOT cho phép bạn nhìn nhận các vấn đề từ cả phía trong (Điểm mạnh, điểm yếu) và phía ngoài (Cơ hội, thách thức).

Bạn hãy tham khảo bài viết hướng dẫn cách sử dụng ma trận SWOT của tôi để biết thêm chi tiết.

Phương pháp rèn luyện tư duy sáng tạo

Con người chúng ta không thể trở nên sáng tạo chỉ sau một đêm. Sự sáng tạo của bạn là kết quả của việc rèn luyện có hệ thống và phương pháp.

Sau đây là một số cách rèn luyện và cải thiện khả năng tư duy sáng tạo đơn giản.

Giới hạn nguồn lực của bản thân

Con người sáng tạo hơn khi có ít nguồn lực

Việc này sẽ buộc bạn phải đẩy khả năng sáng tạo của mình ra ngoài. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đôi khi làm cho mọi thứ sẵn có, khiến con người ít sáng tạo hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Hãy thử tự giới hạn những nguồn lực của mình xem bạn làm được gì. Ví dụ như tự tạo ra một chiếc giá sách từ những nguyên liệu có sẵn trong nhà, thay vì đặt mua một chiếc giá sách làm sẵn.

Nếu nhà bạn có trẻ nhỏ, hãy thử áp dụng cách này với chúng. Bằng cách đó bạn vừa rèn luyện bản thân mình, vừa giúp lũ trẻ sáng tạo hơn ngay từ khi còn nhỏ.

Mở rộng vốn kiến thức

Làm sao có thể sáng tạo được khi bản thân bạn thiếu kiến thức. Hãy đọc sách nhiều hơn, mở rộng tri thức cá nhân trên nhiều lĩnh vực. Nếu có thể, hãy học thêm về âm nhạc, hội họa, lịch sử, chụp ảnh, làm phim…

Khi bạn có những kiến thức nền tảng này và tự trải nghiệm chúng, bạn có thể kết hợp chúng với nhau để tạo ra những thứ mới.

Viết lách

Viết ra các ý tưởng

Viết chính là một hình thức sáng tạo nội dung. Bạn không cần phải viết hay như nhà văn, nhưng mỗi khi có ý tưởng mới, hãy ghi chúng ra giấy. Một lúc nào đó, khi đọc lại những thứ bạn đã ghi ra, có thể bạn sẽ kết nối chúng lại và nhận được một ý tưởng mới hay ho.

Viết lách cũng là một cách để tâm hồn bạn bay bổng, thoát khỏi sự phân tích và logic của cuộc sống hàng ngày. Sự sáng tạo sẽ phát triển khi tâm trí bạn được tự do.

Suy nghĩ tích cực

Điều gì thúc đẩy tư duy sáng tạo? Đó chính là những suy nghĩ tích cực của con người. Khi bạn ủ dột, chán nản thì bạn lấy đâu ra cảm hứng mà sáng tạo, phải không?

Có nhiều cách rèn luyện bản thân để có suy nghĩ tích cực. Điều quan trọng đầu tiên là hãy tránh xa các đối tượng tiêu cực, hay phàn nàn. Thường xuyên đọc những cuốn sách, xem phim với nội dung tươi sáng, tham gia các hoạt động hữu ích cho cộng đồng cũng là những cách giúp bạn trở nên tích cực hơn.

Hòa mình vào thiên nhiên

Hòa mình vào thiên nhiên

Một nghiên cứu của các nhà tâm lý học từ Đại học Utah và Đại học Kansas cho thấy, điểm sáng tạo của mọi người tăng lên 50% sau khi dành 4 ngày trong tự nhiên.

Sự sáng tạo cũng gia tăng đáng kể khi một nhóm đối tượng nghiên cứu khác dành 4 ngày trong tự nhiên và không mang theo thiết bị điện tử.

Vì thế, thỉnh thoảng bạn hãy dành cho mình thời gian ngắt kết nối với thế giới ồn ào và hòa mình vào thiên nhiên. Tốt nhất là hãy đến những nơi ít quen thuộc. Sự lạ lẫm, cộng với tâm trí được tự do, thả lỏng sẽ phát triển khả năng tư duy sáng tạo của bạn.

Nói chuyện với ai đó

Bạn luôn có thể học được một điều gì đó từ người khác. Mở rộng lòng mình, trò chuyện với người nào đó, quen thuộc hay xa lạ cũng được. Bạn có thể mở rộng kiến thức, nhìn sự vật hiện tượng theo một góc nhìn mới.

Thỉnh thoảng, hãy nói chuyện với trẻ con nữa. Trí tưởng tượng của trẻ con rất phong phú, và cách tiếp cận vấn đề của chúng rất đơn giản. Đôi khi người lớn phức tạp hóa mọi thứ, khiến khả năng sáng tạo bị chôn vùi.

Làm điều gì đó bạn chưa từng làm

Thử làm gốm để tăng sự sáng tạo

Nếu bạn không phải là một người có năng khiếu nghệ thuật, hãy thử sức với chúng. Những thứ mới lạ luôn có thể kích thích khả năng sáng tạo của chúng ta. Đừng lo rằng mình sẽ vẽ xấu, chụp hình hay nặn tượng không đẹp, cứ để cho trí tưởng tượng của bạn làm mọi thứ đi.

Một cách nữa cũng giúp bạn cải thiện kỹ năng tư duy sáng tạo là thử làm một điều gì đó mà bạn sợ hãi. Tôi biết điều này đòi hỏi sự dũng cảm của bạn. Nhưng chỉ cần bạn dám một lần bước qua vùng an toàn, bạn sẽ tự tin hơn và sáng tạo hơn trong những hoạt động khác.

Lời kết

Bài viết trên đây đã chia sẻ với bạn về vai trò của tư duy sáng tạo và các phương pháp rèn luyện. Hy vọng bạn sẽ tìm thấy một cách hiệu quả để rèn luyện và phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo của bạn.

Hãy nhớ rằng, một vấn đề luôn có thể có nhiều hơn một cách để giải quyết. Quan trọng là trước tiên, bạn phải tự tin rằng mình có sự sáng tạo. Sau đó, hãy áp dụng các mô hình và phương pháp tư duy mà tôi đã chia sẻ trong bài viết. Bạn sẽ thấy việc sáng tạo trở nên đơn giản và quen thuộc hơn.

Chúc bạn thành công!

Nguồn tham khảo: Betterup, Rockcontent

Chia sẻ bài viết: Tư duy sáng tạo là gì? 5 phương pháp tư duy và cách rèn luyện
error: Content is protected !!
Scroll Up