Kỹ năng phản biện là gì? Cách nâng cao tư duy phản biện.
Kỹ năng phản biện là một trong những kỹ năng quan trọng trong học tập cũng như làm việc. Để trở thành người có kỹ năng phản biện giỏi, bạn cần phát triển tư duy phản biện thường xuyên.
Trong bài viết dưới đây, tôi sẽ gợi ý cho bạn cách rèn luyện tư duy phản biện. Mời bạn tham khảo.
Kỹ năng phản biện
Kỹ năng phản biện là gì?
Kỹ năng phản biện là kỹ năng sử dụng các luận cứ, dẫn chứng để đưa ra ý kiến và bảo vệ quan điểm của cá nhân mình. Kết hợp cùng việc phân tích, đánh giá thông tin theo những cách nhìn khác nhau để làm rõ và khẳng định tính chính xác của vấn đề.
Theo lịch sử ghi chép, định nghĩa về tư duy phản biện đã có từ rất lâu đời. Cụ thể là từ thời đại của nhà triết học Socrates (châu Âu), và trong kinh Vệ Đà (bộ kinh tối cổ của Ấn Độ – nguồn gốc của Ấn Độ giáo, Phật giáo và Thiên Chúa giáo). Có thể thấy, từ xa xưa, các học giả đã quan tâm đến việc phân tích tính đúng sai của các luồng thông tin và các hệ tư tưởng họ tiếp xúc.
Tầm quan trọng của kỹ năng phản biện
Người có kỹ năng phản biện sẽ xác định, phân tích và giải quyết vấn đề một cách hệ thống. Thay vì trực giác hay bản năng.
Có kỹ năng phản biện sẽ giúp bạn:
- Hiểu rõ mối liên hệ giữa các thông tin.
- Xác định được tầm quan trọng và mức độ liên quan của các lập luận, ý tưởng.
- Xây dựng được các lập luận và thẩm định chúng.
- Phát hiện sự mâu thuẫn và các sai sót trong lập luận.
- Tiếp cận vấn đề có tính nhất quán và hệ thống.
- Suy nghĩ thấu đáo để bảo vệ quan điểm cá nhân.
Người có kỹ năng phản biện tốt sẽ suy nghĩ vấn đề một cách tổng thể, không bỏ sót, không qua loa, hiểu rõ bản chất sự việc. Khi bạn suy nghĩ chín chắn về một vấn đề, bạn sẽ không ngừng tư duy để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất.
Phản biện là kỹ năng nền tảng để bạn phát triển và hoàn thiện bản thân, tạo tiền đề cho sự sáng tạo.
Tư duy phản biện
Tư duy phản biện là gì?
Định nghĩa
Hiện nay, vẫn chưa có định nghĩa chính xác về tư duy phản biện. Tuy nhiên, đa phần các định nghĩa về tư duy phản biện đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự rõ ràng và khả năng lập luận.
Theo một định nghĩa đơn giản: Tư duy phản biện (Critical Thinking) đề cập đến khả năng suy nghĩ thấu đáo, hợp lý và hiểu được mối liên hệ giữa các thông tin.
Đây cũng chính là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận. Kể từ thời của các nhà triết học Hy Lạp sơ khai cho đến thời hiện đại. Ví dụ như khả năng nhận biết các tin tức sai lệch, cách đánh giá toàn diện một vấn đề hay thẳng thắn trình bày quan điểm đối lập.
Ví dụ về tư duy phản biện
Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều tình huống chúng ta cần sử dụng đến tư duy phản biện.
Ví dụ:
- Ban quản lý giải quyết tranh chấp bằng cách đưa ra những lựa chọn thay thế. Và chúng vẫn đảm bảo công bằng cho tất cả các bên.
- Nhà biên kịch sắp xếp ý tưởng cho tình tiết của câu chuyện và định hình các tuyến nhân vật.
- Chủ doanh nghiệp tính toán trước những rủi ro có thể xảy ra khi cắt giảm nhân lực.
- Giáo viên sử dụng kỹ năng đặt câu hỏi để dẫn dắt học sinh đi vào bài học mới.
Đặc điểm của người có tư duy phản biện
Người có tư duy phản biện thường có những đặc điểm sau:
- Hiểu rõ sự logic giữa các quan điểm.
- Nhận biết, phát triển và đánh giá các lập luận.
- Tìm ra những lỗi sai và sự thiếu nhất quán trong lập luận.
- Giải quyết vấn đề có tính hệ thống.
- Nhận biết tầm quan trọng của các ý tưởng.
- Xem xét cách lập luận và sự đúng đắn trong quan điểm của người khác.
Người có tư duy phản biện tốt không chỉ có trí nhớ tốt, có nhiều kiến thức hay biết tích lũy thông tin. Họ còn phải biết cách suy luận từ những thông tin đã có. Đồng thời, tìm ra những thông tin liên quan để tăng sự hiểu biết và xử lý vấn đề.
Có một lưu ý mà bạn cần phải nhớ, đó là không được nhầm lẫn giữa phản biện và chỉ trích người khác. Bạn có thể sử dụng kỹ năng tư duy phản biện để chỉ ra những sai sót trong lập luận. Nhưng, nó phải mang tính xây dựng.
Tư duy phản biện giúp chúng ta thu thập kiến thức, tăng mức độ hiểu biết, củng cố cách lập luận. Từ đó, nâng cao hiệu quả xử lý công việc và giải quyết vấn đề.
Tầm quan trọng của tư duy phản biện
Tư duy phản biện là kỹ năng tư duy tổng hợp chung
Đối với tất cả mọi nghề nghiệp, tư duy phản biện đóng vai trò rất quan trọng. Dù là ở lĩnh vực nào, vị trí nào cũng cần có khả năng tư duy tốt và giải quyết vấn đề có tính hệ thống.
Đặc biệt là với những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, luật pháp, tài chính, y học,… Trước khi đưa ra mọi quyết định, họ đều phải suy nghĩ rõ ràng và thấu đáo. Đồng thời, lường trước được các hệ quả có thể kéo theo nếu đưa ra các quyết định đó.
Tư duy phản biện quan trọng trong nền kinh tế tri thức mới
Nền kinh tế tri thức mới được thúc đẩy bởi sự phát triển của công nghệ thông tin. Nó đòi hỏi con người phải có khả năng quản lý và đối phó với sự thay đổi nhanh chóng.
Các yêu cầu về khả năng tổng hợp và phân tích thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để xử lý vấn đề cũng trở nên khắt khe hơn.
Có tư duy phản biện tốt là một trong những việc cần thiết để thích nghi với môi trường làm việc đầy biến động như hiện nay.
Tư duy phản biện giúp nâng cao khả năng ngôn ngữ và trình bày
Phản biện là quá trình giao lưu ngôn ngữ. Các cá nhân muốn chứng minh được quan điểm của mình là đúng thì phải đưa ra được những lập luận logic, xác đáng.
Chính vì thế, phản biện được coi là một trong những công cụ đắc lực giúp nâng cao khả năng ngôn ngữ và trình bày. Đồng thời, hỗ trợ phát triển trí tuệ rất hiệu quả.
Tư duy phản biện giúp kích thích sự sáng tạo
Kỹ năng tư duy phản biện giúp kích thích sự sáng tạo. Trong công việc, giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề luôn đòi hỏi những ý tưởng mới. Đồng thời, những ý tưởng này cũng phải hữu ích và phù hợp với công việc đang diễn ra.
Tư duy phản biện có vai trò đánh giá những ý tưởng mới đưa ra, lựa chọn những đề xuất giá trị nhất và sửa đổi nếu cần.
Tư duy phản biện quan trọng đối với quá trình tự đánh giá
Tư duy phản biện góp phần quan trọng đối với quá trình tự đánh giá bản thân. Để cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa, chúng ta cần phải biết phân tích, suy ngẫm về các giá trị cốt lõi và các quyết định của mình.
Kỹ năng tư duy phản biện cung cấp nền tảng cho quá trình tự đánh giá này.
5 kỹ năng quan trọng nhất trong tư duy phản biện
Kỹ năng quan sát
Kỹ năng quan sát được xem là điểm khởi đầu cho khả năng tư duy phản biện. Những người nhạy bén có thể cảm nhận và xác định vấn đề thật nhanh chóng. Dù cho vấn đề đó là mới hay cũ.
Đồng thời, có thể lường trước các khả năng và nguy cơ có thể xảy ra. Từ đó, bước đầu đưa ra phán đoán dựa trên các dấu hiệu, biểu hiện của vấn đề và kinh nghiệm thực tiễn của bản thân.
Bạn có thể nâng cao kỹ năng quan sát bằng cách giảm tốc độ xử lý thông tin, chú ý hơn đến môi trường xung quanh. Bạn hãy thử thực hành chánh niệm, viết nhật ký, lắng nghe tích cực,… để đánh giá những gì bạn đã nhìn, đã nghe thấy.
Sau đó, cố gắng tìm ra các xu hướng trong hành vi, giao dịch hay dữ liệu có thể hữu ích cho công việc.
Kỹ năng phân tích
Sau khi quan sát và xác định vấn đề, lúc này, quá trình tư duy phản biện sẽ cần đến kỹ năng phân tích.
Nếu biết cách sử dụng kỹ năng phản biện, bạn sẽ biết phải làm gì để phân tích và đánh giá tình huống một cách đầy đủ, hợp lý nhất. Giả dụ như: Tình huống đó có liên quan đến dữ liệu gì, sự kiện gì? Đâu là thông tin quan trọng trong số các thông tin thu được?…
Ngoài ra, kỹ năng phân tích tạo điều kiện cho bạn thu thập và xử lý thông tin một cách khách quan, không thiên vị.
Bạn có thể cải thiện kỹ năng phân tích bằng cách tiếp nhận những kinh nghiệm mới. Ví dụ, bạn đọc sách về một định nghĩa mới, bạn tham gia một lớp học toán để thúc đẩy suy nghĩ của mình theo phương hướng mới. Những việc này sẽ giúp bạn nâng cao kỹ năng diễn giải thông tin mới và đưa ra quyết định dựa trên sự phân tích logic.
Kỹ năng suy luận
Nâng cao kỹ năng suy luận là một phần của rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện.
Suy luận giúp bạn đưa ra kết luận về những thông tin mà bạn thu được. Việc này có thể yêu cầu bạn về kinh nghiệm thực tế hoặc kiến thức chuyên môn trong những lĩnh vực cụ thể.
Khi bạn suy luận, tức là bạn đang cố gắng đưa ra câu trả lời dựa trên nguồn thông tin bị hạn chế. Ví dụ: Một thợ sửa máy tính phải tìm ra nguyên nhân khiến máy tính đột nhiên dừng hoạt động.
Để cải thiện kỹ năng suy luận, bạn hãy tập trung đưa ra những phỏng đoán có cơ sở. Thay vì ra kết luận một cách hấp tấp, vội vàng. Điều này đòi hỏi bạn tìm kiếm càng nhiều manh mối càng tốt (hình ảnh, số liệu, báo cáo,…). Bạn hãy xem xét cẩn thận tất cả các thông tin trước khi đưa ra kết luận chính thức.
Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp cũng đóng vai trò rất quan trọng trong tư duy phản biện. Bạn cần giao tiếp tốt đề giải thích và thảo luận về vấn đề và các giải pháp cho chúng với đồng nghiệp và những người khác (đối tác, khách hàng).
Nếu bạn thiếu kỹ năng tương tác, bạn có thể khó trình bày rõ quan điểm của mình để đàm phán và thuyết phục đối phương. Khi đó, mọi sự cố gắng của bạn có thể trở nên vô nghĩa.
Để cải thiện kỹ năng này, bạn hãy thường xuyên tham gia thảo luận với những người có quan điểm khác biệt trong một chủ đề nhất định. Song song với đó là rèn luyện các thói quen giao tiếp tốt.
Có thể kể đến như lắng nghe tích cực, bạn hãy cố gắng lắng nghe để hiểu được quan điểm của người khác. Hay tập giải thích các ý tưởng của mình, bạn hãy lập luận một cách bình tĩnh và có chứng cứ.
Những việc này sẽ giúp bạn trình bày các vấn đề với những người khác được hiệu quả hơn.
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Kỹ năng giải quyết vấn đề là một kỹ năng không thể thiếu trong tư duy phản biện. Sau khi bạn quan sát, phân tích, suy luận và tìm ra một số giải pháp cho vấn đề, việc cuối cùng là đi vào triển khai các giải pháp đó.
Chúng ta cần có tư duy phản biện để lựa chọn đúng giải pháp, triển khai nó một cách hợp lý, kịp thời và mang lại hiệu quả cao nhất.
Bạn có thể rèn luyện kỹ năng này bằng cách đặt mục tiêu học hỏi thêm kiến thức trong lĩnh vực mình đang làm. Nếu bạn hiểu sâu về công việc của mình, bạn có thể xử lý vấn đề dễ dàng hơn.
Bạn hãy cố gắng học hỏi từ những người xung quanh bạn. Hãy dành thời gian để quan sát cách mọi người giải quyết các vấn đề trong công việc. Từ đó, rút ra bài học cho bản thân mình.
Cách nâng cao tư duy phản biện
Tích cực trau dồi kiến thức
Để nhận định xem nguồn thông tin mình có là đúng hay sai, trước hết, bạn cần có những kiến thức tổng quát vững chắc. Chúng sẽ trở thành nền tảng để bạn dựa vào đó và đưa ra các lập luận của mình.
Nếu thiếu kiến thức tổng quát, bạn sẽ không thể tư duy phản biện vì không biết phải dựa vào đâu để suy luận. Vì vậy, bạn hãy chú ý trau dồi kiến thức mỗi ngày.
Bạn có thể thử đọc thêm nhiều sách, báo, tạp chí liên quan đến lĩnh vực mình làm. Hay tham gia các buổi tọa đàm của những diễn giả nổi tiếng,…
Nâng cao kỹ năng giao tiếp
Cho dù những lập luận của bạn sắc bén đến đâu, nhưng bạn không biết cách giao tiếp để trình bày nó với người khác, thì nó cũng không thể đem lại kết quả như kỳ vọng.
Bạn hãy tập trình bày để nêu được hết ý kiến của mình với người khác. Bên cạnh đó, hãy tích cực lắng nghe, tiếp thu và cảm thông với người khác để tìm ra giải pháp hợp lý nhất.
Ngoài ra, bạn nên cố gắng học thêm ngoại ngữ. Đó có thể là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức,… Bạn có thể học nhiều hơn 1 trong số chúng.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, sử dụng ngoại ngữ thành thạo là một lợi thế. Và nó sẽ mở ra nhiều cơ hội tốt cho bạn, giúp bạn tiến xa hơn trong tương lai.
Rèn luyện khả năng sáng tạo
Để có kỹ năng tư duy phản biện hiệu quả, bạn cần rèn luyện khả năng sáng tạo. Đầu óc sáng tạo sẽ giúp bạn đưa ra được nhiều ý tưởng hay, mới lạ. Nhờ đó, bạn có thể giải quyết công việc một cách trơn tru. Điều này cũng giúp bạn trở nên tốt hơn trong mắt đồng nghiệp, đối tác, khách hàng,…
Một số cách bạn có thể áp dụng để cải thiện khả năng sáng tạo như: ngồi thiền, nghe nhạc, đọc sách, tìm cách giải quyết một vấn đề mới lạ,…
Và hãy nhớ, đừng ép buộc mình phải đưa ra những ý tưởng độc đáo. Vì những ý tưởng chỉ đến với bạn khi đầu óc bạn thực sự thoải mái.
Tập giải quyết vấn đề
Tập giải quyết vấn đề là một phương pháp hữu hiệu để nâng cao tư duy phản biện. Khi đối diện với một vấn đề, bạn hãy nắm rõ những thông tin như: Vấn đề đó là gì? Liên quan đến lĩnh vực gì?
Sau đó, dựa trên vốn kiến thức của mình, hãy đặt câu hỏi có tính logic để làm rõ vấn đề đó. Từ đó, rút ra kết luận và đưa ra quyết định cho vấn đề.
Tập thói quen đặt câu hỏi
Bạn hãy tập cho mình thói quen đặt câu hỏi. Khi đặt ra câu hỏi về một vấn đề nào đó và trả lời ở nhiều góc độ khác nhau, bạn có thể nhìn nhận vấn đề một cách tổng quát hơn.
Từ đó, các giải pháp bạn đưa ra sẽ chỉn chu và hoàn thiện hơn, tránh được những sai sót không đáng có.
Áp dụng quy trình 7 bước
Để trở thành một người có tư duy phản biện giỏi, chúng ta cần duy trì luyện tập và thực hành thường xuyên. Vì đây không phải việc một sớm một chiều nên bạn có thể thử nhiều cách để cải thiện dần dần.
Bạn có thể tham khảo quy trình 7 bước sau đây:
1. Xác định vấn đề, đặt ra các câu hỏi.
Bạn hãy cố gắng xác định vấn đề một cách chính xác nhất.
Bạn có thể đặt ra các câu hỏi liên quan đến vấn đề: Vấn đề đó là gì? Lĩnh vực liên quan của vấn đề? Các bên tham gia vào vấn đề,…
Hãy nhớ rằng, vấn đề càng được thu hẹp thì càng dễ nhìn đúng bản chất và tìm ra giải pháp.
2. Thu thập thông tin.
Bạn có thể tìm kiếm một số nguồn thông tin. Mà trong đó trình bày những ý kiến, quan điểm khác nhau để bạn có cái nhìn tổng thể hơn với vấn đề.
Nếu đó là một vấn đề mới và có ít tài liệu tham khảo, bạn hãy thử xin ý kiến của những người có chuyên môn.
3. Phân tích và đánh giá thông tin.
Bạn cần phải đánh giá về mức độ tin cậy của những thông tin mình thu được. Những thông tin đó đã được kiểm chứng chưa, hay chỉ là ý kiến chủ quan của một người? Có đầy đủ thông tin để hỗ trợ lập luận hay không?
4. Xác định các giả thiết.
Bạn có chắc chắn rằng các nguồn thông tin bạn tìm được không thiên vị hay không? Bạn có chắc chắn rằng mình không thiên vị trong quá trình tìm thông tin hay không?
5. Xác lập ý nghĩa cho từng giả thiết.
Thông tin nào quan trọng nhất? Số lượng đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu có đủ không? Các lập luận có giải quyết được vấn đề của mình hay không?
6. Đưa ra kết luận.
Bạn cần xác định xem quyết định nào là phù hợp nhất. Cân nhắc về các khả năng và rủi ro nếu đưa ra quyết định đó.
7. Trình bày quan điểm.
Sau khi đưa ra quyết định của mình, bạn cần trình bày nó với những người có liên quan. Hãy trình bày thật tự tin, đầy đủ và có tính thuyết phục.
Bạn cũng cần chuẩn bị để đối mặt với các ý kiến trái chiều. Hãy xem khi đó bạn sẽ phản biện lại họ như thế nào.
Kết luận
Kỹ năng phản biện không tự nhiên mà có. Bạn cần phải trải qua quá trình rèn luyện không ngừng mỗi ngày. Chỉ như vậy, bạn mới có thể trở thành người có kỹ năng phản biện giỏi và có tầm ảnh hưởng với mọi người.
Hy vọng những gợi ý của tôi trong bài viết này sẽ giúp ích cho bạn. Cảm ơn bạn đã đọc bài!