Franchise là gì? 5 hình thức nhượng quyền kinh doanh bạn cần biết.
Nhượng quyền kinh doanh (Franchise) là một mô hình kinh doanh rất phổ biến hiện nay tại Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở ngành F&B, nhà hàng khách sạn, mô hình này đang được mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như dịch vụ làm đẹp, fitness… Vậy thì franchise là gì và hình thức kinh doanh này có những ưu nhược điểm gì? Bài viết dưới đây của tôi sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc đó.
Franchise là gì?
Franchise là một hình thức kinh doanh. Nó còn được gọi với những cái tên khác như nhượng quyền thương hiệu, nhượng quyền kinh doanh hay nhượng quyền thương mại.
Phương thức kinh doanh franchise cho phép bên nhận nhượng quyền tiếp cận và sử dụng kiến thức, quy trình vận hành được chuẩn hóa và nhãn hiệu kinh doanh của bên nhượng quyền. Bên nhận nhượng quyền thương hiệu được phép bán sản phẩm, dịch vụ dưới tên thương hiệu của bên nhượng quyền. Đổi lại, bên nhận nhượng quyền sẽ trả cho bên nhượng quyền khoản phí ban đầu và phí cấp phép hàng năm.
Mô hình nhượng quyền đã bắt đầu từ giữa thế kỷ 19 tại Hoa Kỳ. Cho đến những năm 1920 – 1930, mô hình này mới được phát triển rộng rãi trong ngành khách sạn và ẩm thực. Hiện nay, tại Mỹ có hơn 785.000 cơ sở kinh doanh nhượng quyền, đóng góp gần 500 tỷ USD cho nền kinh tế.
Một số thương hiệu nhượng quyền nổi tiếng của Mỹ cũng đã có mặt tại thị trường Việt Nam là McDonald’s, KFC, Dairy Queen, 7 Eleven…
Trong kinh doanh nhượng quyền, có 2 đối tượng tham gia: bên nhượng quyền (franchisor) và bên nhận nhượng quyền (franchisee). Mỗi bên khi tham gia vào quan hệ kinh doanh này đều có những lợi thế và rủi ro nhất định phải đối mặt. Sau đây, tôi sẽ phân tích 2 mặt của hoạt động nhượng quyền thương hiệu, đừng từ góc độ của mỗi bên trong mối quan hệ này.
Lợi thế và rủi ro với bên được nhượng quyền (franchisee)
Lợi ích
Bên được nhận nhượng quyền sẽ có những lợi ích sau đây khi đầu tư vào nhượng quyền thương hiệu.
– Nhận được sự hỗ trợ kinh doanh. Tùy vào hợp đồng nhượng quyền, bên được nhượng quyền có thể được cung cấp kiến thức, vật dụng, thiết bị và thậm chí cả kế hoạch marketing.
– Nhận diện thương hiệu. Nếu bạn tự kinh doanh, bạn sẽ mất nhiều thời gian và nguồn lực để người tiêu dùng biết đến thương hiệu của bạn. Ngược lại, thương hiệu nhượng quyền đã được công nhận bởi người tiêu dùng. Bạn sẽ không tốn chi phí để quảng bá và làm cho mọi người biết bạn kinh doanh sản phẩm dịch vụ gì.
– Khả năng thành công cao. Nói chung, kinh doanh theo nhượng quyền thương mại dễ thành công hơn tự kinh doanh. Bởi bên được nhượng quyền sẽ được hỗ trợ bởi một hệ thống đã thành công trước đó, với sản phẩm dịch vụ đã được thị trường kiểm nghiệm.
– Lợi thế sức mua. Một lợi thế của nhượng quyền thương mại chính là sức mạnh của mạng lưới. Bên nhượng quyền có thể sử dụng quy mô của mạng lưới để mua hàng với giá rẻ và cung cấp cho các bên được nhượng quyền.
– Lợi nhuận cao. Nhìn chung, phương thức kinh doanh nhượng quyền mang lại lợi nhuận cao hơn so với kinh doanh độc lập. Đó là do hầu hết các thương hiệu nhượng quyền đều dễ nhận biết và thu hút khách hàng. Kể cả khi chi phí nhượng quyền ban đầu lớn, lợi tức từ đầu tư vẫn cao.
– Rủi ro thấp hơn. Hầu hết các nhượng quyền thương hiệu đều đã được thử nghiệm và chứng mình thành công tại nhiều thị trường. Vì thế nên bên được nhượng quyền sẽ ít đối mặt với rủi ro hơn.
Rủi ro
Nếu bạn đã hiểu franchise là gì, không khó để nhận ra những bất lợi mà bên được nhượng quyền phải đối mặt khi lựa chọn hình thức kinh doanh này.
Các quy định hạn chế
Thực tế, bên được nhượng quyền không hoàn toàn làm chủ công việc kinh doanh của mình. Họ cũng không thể ra quyết định mà không xem xét ý kiến của bên nhượng quyền kinh doanh. Hợp đồng nhượng quyền đưa ra nhiều ràng buộc hạn chế với họ.
Tùy thuộc vào hợp đồng, bên nhượng quyền có thể kiểm soát những khía cạnh sau của hoạt động kinh doanh.
- Nguyên liệu đầu vào
- Sản phẩm
- Giá cả
- Quy trình vận hành
- Địa điểm kinh doanh
- Thiết kế cửa hàng
- Thời gian hoạt động
- Quảng cáo tiếp thị
…
Mặc dù những hạn chế này được đưa ra để đảm bảo sự thống nhất của thương hiệu giữa các đơn vị nhận nhượng quyền, chúng có thể gây khó chịu, hạn chế sự kiểm soát và sáng tạo trong kinh doanh.
Chi phí ban đầu lớn
Chi phí ban đầu để nhận nhượng quyền thương hiệu thường khá lớn, đặc biệt nếu thương hiệu nổi tiếng và kinh doanh có lãi. Dĩ nhiên, những nhượng quyền thương mại như vậy thường đem lại lợi nhuận cao. Nhưng chi phí ban đầu sẽ là thách thức không nhỏ với chủ đầu tư.
Giá trị của thương hiệu đôi khi bị bên nhường quyền thổi phồng, khiến bên được nhượng quyền phải trả phí cao hơn.
Các khoản đầu tư liên tục
Ngoài khoản đầu tư ban đầu, chi phí nhượng quyền còn đi kèm với chi phí hàng năm. Theo hợp đồng nhượng quyền thương mại, bên được nhượng quyền sẽ phải trả phí liên tục cho bên nhượng quyền theo tỷ lệ phần trăm doanh thu. Tỷ lệ này khác nhau giữa các ngành.
Các chi phí khác có thể phát sinh khi nhận nhượng quyền thương mại bao gồm chi phí quảng cáo, phí dịch vụ đào tạo…
Khả năng xảy ra xung đột
Bất kỳ mối quan hệ kinh doanh nào cũng tiềm ẩn nguy cơ xung đột, đặc biệt khi có sự mất cân bằng quyền lực xảy ra. Trong nhượng quyền kinh doanh, bên được nhượng quyền thường bị hạn chế nhiều quyền lợi. Do vậy, bạn nên dành thời gian tìm hiểu về phong cách quản lý của bên nhượng quyền, để tránh xung đột xảy ra trong tương lai.
Thiếu riêng tư về tài chính
Đây là một trong những nhược điểm lớn của franchising. Thỏa thuận nhượng quyền thường quy định bên nhượng quyền có thể giám sát toàn bộ tài chính của bên được nhượng quyền. Nhiều bên được nhượng quyền coi đây là một điều bất lợi. Nhưng nếu bạn cần có sự hướng dẫn về tài chính, đây có thể là một đặc điểm hữu ích đối với bạn.
Lợi thế và rủi ro của bên nhượng quyền (franchisor)
Lợi thế
Tiếp cận vốn
Kinh doanh nhượng quyền cho phép bạn mở rộng kinh doanh nhanh chóng mà không cần vay nợ. Nếu bạn là bên nhượng quyền, bạn sẽ nhận được khoản chi phí nhượng quyền ban đầu từ các bên được nhượng quyền. Điều này cho phép bạn tiếp cận được nguồn vốn tốt mà không phải trả lãi suất.
Giám sát nhân viên tối thiểu
Trong mối quan hệ nhượng quyền kinh doanh, bên nhượng quyền không quản lý, tuyển dụng và sa thải nhân viên. Việc này thuộc trách nhiệm của bên được nhượng quyền.
Vì thế, bên nhượng quyền không cần quản lý trực tiếp công việc hàng ngày của nhân viên. Thay vào đó, họ sẽ dành thời gian và nguồn lực vào bức tranh kinh doanh tổng thể.
Tăng nhận diện thương hiệu
Một trong những lợi ích rất lớn của loại hình kinh doanh nhượng quyền là sự nâng cao nhận thức về thương hiệu. Thương hiệu càng xuất hiện tại nhiều địa điểm thì càng được nhiều người biết đến.
Việc tăng nhận diện thương hiệu mang lại lợi ích cho cả 2 bên tham gia vào mô hình kinh doanh nhượng quyền.
Rủi ro
Tất nhiên, rủi ro không chỉ thuộc về một bên tham gia kinh doanh. Bên nhượng quyền phải đối mặt với những rủi ro có thể phát sinh sau đây.
– Mất quyền kiểm soát thương hiệu. Mặc dù có các điều khoản ràng buộc trong thỏa thuận nhượng quyền, bên nhượng quyền phải chấp nhận rằng, thương hiệu của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi hoạt động của các đơn vị nhận nhượng quyền. Trong trường hợp một bên nào đó ứng xử không phù hợp, thương hiệu có thể bị tổn hại.
– Đầu tư ban đầu. Khi một doanh nghiệp quyết định trở thành bên nhượng quyền, họ cũng cần bỏ ra chi phí ban đầu để khởi động hình thức kinh doanh này. Một số chi phí có thể phát sinh là chi phí tư vấn pháp lý, chi phí nghiên cứu và xây dựng quy trình kinh doanh, vận hành…
5 hình thức nhượng quyền kinh doanh
Nhượng quyền thương mại là một mô hình kinh doanh mang tính linh hoạt cao. Thực tế, bất kỳ loại hình kinh doanh nào cũng có thể nhượng quyền. Hoạt động nhượng quyền có thể được phân chia thành nhiều hình thức, theo nhiều yếu tố khác nhau như mức độ đầu tư, chiến lược của bên nhượng quyền, tiếp thị,…
Có 5 hình thức nhượng quyền kinh doanh chính. Sau đây, tôi sẽ giới thiệu cho bạn sơ lược về từng loại hình.
Nhượng quyền công việc (Job Franchise)
Job franchise là gì? Đây là mô hình nhượng quyền có vốn đầu tư thấp, có thể được vận hành bởi một hoặc một vài cá nhân (thường ít hơn 5 người). Bên nhận quyền chỉ cần trả chi phí nhượng quyền và chi phí khởi động tối thiểu, như chi phí vật liệu, thiết bị, đi lại.
Hầu hết các ngành cung cấp dịch vụ đều có thể áp dụng hình thức job franchise. Ví dụ: Đại lý du lịch, tổ chức sự kiện, dịch vụ dọn dẹp, dịch vụ trông trẻ…
Nhượng quyền sản phẩm (Product Franchise)
Nhượng quyền sản phẩm, hay còn được hiểu là nhượng quyền phân phối. Trong hình thức này, bên nhận quyền sẽ phân phối các sản phẩm của công ty mẹ. Bên nhượng quyền cung cấp việc sử dụng nhãn hiệu của mình, nhưng không cung cấp hệ thống điều hành được chuẩn hóa.
Product franchise chủ yếu là các đại lý sản phẩm lớn. Bạn có thể gặp hình thức này trong một số lĩnh vực như: Ô tô và kinh doanh phụ tùng sửa chữa ô tô, thiết bị lớn, máy tính…
Nhượng quyền mô hình kinh doanh toàn diện (Full-business Format Franchise)
Đây là nhượng quyền kinh doanh phổ biến nhất và được biết đến nhiều nhất. Bên nhận quyền điều hành hoạt động kinh của mình dưới thương hiệu của bên nhượng quyền. Họ sẽ được cung cấp toàn bộ hệ thống thương hiệu, quy trình vận hành được chuẩn hóa để kinh doanh và tiếp thị sản phẩm, dịch vụ.
Bên nhượng quyền phải đảm bảo hướng dẫn cách thức kinh doanh, cung cấp kế hoạch chi tiết, thủ tục hoàn chỉnh và đào tạo bên nhận quyền về các khía cạnh của hoạt động kinh doanh. Ngoài hỗ trợ ban đầu, họ còn liên tục hỗ trợ bên nhận quyền trong quá trình vận hành sau này.
Đây là mô hình kinh doanh phổ biến nhất với các thương hiệu đồ ăn, phòng tập thể hình… Tại Việt Nam, McDonald’s, KFC hoạt động nhượng quyền theo hình thức này.
Nhượng quyền đầu tư vốn (Equity Franchise)
Nhượng quyền đầu tư thường là một hình thức kinh doanh có quy mô lớn, đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn so với các hình thức khác. Bên nhận quyền có tham gia đầu tư vốn và đôi khi có tham gia quản lý để vận hành công việc kinh doanh.
Hình thức nhượng quyền này thường gặp trong kinh doanh nhà hàng, khách sạn lớn.
Nhượng quyền chuyển đổi (Conversion franchise)
Nhượng quyền chuyển đổi biến các doanh nghiệp đã tồn tại từ trước, thuộc sở hữu độc lập thành các thành viên của một mạng lưới tiêu chuẩn hóa. Đây là cách để các công ty mở rộng và phát triển nhanh chóng. Vì bên nhận quyền đã có vị trí thực tế, kinh nghiệm kinh doanh và khách hàng thường xuyên.
Công ty độc lập tham gia vào mối quan hệ nhượng quyền cũng được hưởng lợi khi có được sức mạnh của một thương hiệu nổi tiếng, thành công và tất cả các hệ thống hỗ trợ đi kèm.
Kết luận
Nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam đang ngày càng trở nên phổ biến. Hy vọng với những kiến thức chia sẻ trên đây, bạn đã hiểu được franchise là gì và có được những thông tin hữu ích trước khi bắt đầu tham gia loại hình kinh doanh này.
Nếu bạn có câu hỏi liên quan đến franchise, hãy liên hệ với tôi để được giải đáp thắc mắc. Chúc bạn thành công!
Nguồn tham khảo:
- https://www.nerdwallet.com/article/small-business/advantages-of-franchising
- https://franchiseguardian.com/franchising/types-of-franchising/