?>
05/02/2023

Kiểm chứng và sàng lọc thông tin – Kỹ năng thiết yếu của hiện tại và tương lai.

Trong một thế giới đang tràn ngập các thông tin thật giả, kỹ năng kiểm chứng và sàng lọc thông tin càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Từ các thông tin trên mạng xã hội, cho đến các thông tin kinh tế, xã hội trên Internet, chúng ta đều cần phân biệt và xác nhận cẩn thận.

Đặc biệt, khi các công cụ chat bot AI như ChatGPT đang phổ biến và được nhiều người tiếp cận, khả năng chúng ta bắt gặp các thông tin sai lệch càng nhiều hơn. Vì thế, trong bài viết này, tôi sẽ viết về sự thiết yếu của kỹ năng kiểm chứng và sàng lọc thông tin. Tại sao đây lại là kỹ năng thiết yếu của hiện tại và tương lại. Tôi cũng sẽ gợi ý cho bạn cách để thực hiện và cải thiện kỹ năng này. Mời bạn theo dõi bài viết.

Tầm quan trọng của kỹ năng kiểm chứng và sàng lọc thông tin

Kỹ năng kiểm chứng và sàng lọc thông tin rất quan trọng

Bối cảnh hiện tại

Nếu bạn đang sử dụng mạng xã hội như Facebook hay Twitter, chắc hẳn bạn đã từng gặp những “thông tin giả”. Chúng nhanh chóng lan ra mạng xã hội và được chia sẻ nhiều đến mức đến mức nhiều người cho rằng đó là thông tin chính xác.

Một nguồn tìm kiếm thông tin cũng rất phổ biến hiện nay, đó là các công cụ tìm kiếm như Google. Theo Oberlo, Google xử lý 8.5 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày trên toàn thế giới. Nhu cầu tìm kiếm thông tin cực nhiều, nhưng với những kết quả tìm kiếm được trả về, có bao nhiêu là thông tin chính xác và hữu ích?

Gần đây, công cụ AI ChatGPT đang trở thành một hiện tượng mới trên mạng Internet. Công cụ này có thể trả lời hầu như mọi câu hỏi của bạn. Nhưng vấn đề là, ở thời điểm hiện tại, thông tin mà nó cung cấp không hoàn toàn chính xác.

Hãy tưởng tượng rằng, nếu những thông tin thiếu chính xác mà AI cung cấp không được kiểm chứng và sàng lọc trước khi sử dụng, thì có phải “núi thông tin” sẽ ngày càng trở nên hỗn độn.

Mối nguy từ các thông tin sai lệch

Tác hại của thông tin sai lệch

Ảnh hưởng từ các thông tin giả, sai lệch khó có thể kể hết. Dưới đây là một số mối nguy hàng đầu, theo quan điểm của tôi.

  • Đưa ra các quyết định sai lầm trong cuộc sống, công việc, dựa trên thông tin không chính xác.
  • Người đọc có thể bị lừa dối, lợi dụng, lừa đảo…
  • Tùy thuộc vào lĩnh vực, thông tin sai lệch có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, công việc, tình hình tài chính… của bạn.
  • Trình độ của con người sẽ đi xuống, nếu được giáo dục bằng những thông tin không chuẩn xác.

Tuy nhiên, việc sàng lọc, kiểm chứng thông tin cũng không phải một việc đơn giản. Bạn cần có một số kỹ năng và công cụ để thực hiện việc này. Tôi sẽ hướng dẫn bạn chi tiết trong phần tiếp theo của bài viết.

Cách sàng lọc và kiểm chứng thông tin

Bất kỳ khi nào bạn bắt gặp một thông tin “đáng nghi” trên Internet, hãy xác thực chúng bằng một số cách sau đây.

Tìm hiểu nguồn gốc thông tin

Kiểm chứng nguồn gốc thông tin

Nếu bạn đang ở trên mạng xã hội, hãy xem tài khoản cá nhân hay tổ chức nào đăng tải thông tin đó. Chỉ nên đặt niềm tin ở những tài khoản của:

  • Các tài khoản chính thức của tổ chức, người có sức ảnh hưởng đã được trang mạng xã hội đó kiểm chứng (VD: Tick xanh)
  • Cá nhân tin cậy mà bạn hiểu rõ.

Nếu thông tin được đăng tải bởi các tài khoản clone (tài khoản phụ, dùng tạm thời), hãy có sự nghi ngờ.

Trong trường hợp bạn tìm kiếm thông tin trên các website, hãy kiểm tra:

  • Domain: Các domain .com, .org, .gov, .edu có độ tin cậy cao hơn. Nhưng cũng lưu ý răng, không phải 100% các website như vậy đều cung cấp thông tin chính xác.
  • Tác giả bài viết: Hãy để ý xem ai là tác giả của bài viết. Người đó có phải là một chuyên gia trong lĩnh vực đó, hay chỉ là biên tập viên của website. Một số trang web trong các lĩnh vực sức khỏe, y tế thường ghi rõ người kiểm chứng thông tin trong bài viết là các bác sĩ, người có chuyên môn. Điều đó tăng độ tin cậy cho thông tin.
  • Thời gian: Bài viết được viết hoặc cập nhật lần cuối khi nào. Một số lĩnh vực có sự biến đổi nhanh nên thông tin cũ có thể không còn phù hợp nữa.
  • Nguồn tham khảo: Bạn cũng nên kiểm tra xem tác giả có tham khảo bài viết từ các nguồn uy tín và chính thống không. Các bài viết đơn thuần là “tổng hợp” thông tin từ nhiều nguồn có thể thiếu độ chính xác. Đặc biệt là nếu tác giả bài viết không có đủ chuyên môn phù hợp.

Tự kiểm chứng

Dĩ nhiên, nếu thông tin bạn đang tìm kiếm thuộc lĩnh vực hiểu biết của bạn, hãy tự đánh giá độ tin cậy. Đặc biệt, nếu thông tin liên quan đến công việc, chuyên môn của bạn, bạn thường sẽ biết các nguồn tin đáng tin cậy.

Nếu những thông tin rất cơ bản cũng bị sai lệch, hãy đưa website hay nguồn tin đó vào danh sách đen. Đừng mất thời gian với những nguồn tin đó.

Tham khảo ý kiến chuyên gia

Tìm chuyên gia để kiểm chứng thông tin

Việc này hoàn toàn hợp lý, vì bạn không thể là chuyên gia trong mọi lĩnh vực. Nếu bắt gặp một thông tin “đáng nghi”, hãy liên lạc với những chuyên gia, hoặc những người quen thuộc với lĩnh vực đó. Hãy tham khảo ý kiến nhiều người, nếu có thể. Việc này sẽ giúp bạn nhanh chóng biết được đâu là thông tin chính xác.

Xem xét các số liệu, tính toán

Các số liệu thống kê thường là kết quả được đưa ra bởi các tổ chức, công ty nghiên cứu lớn. Trong trường hợp cá nhân đưa ra số liệu đó, họ cũng thường là những chuyên gia trong lĩnh vực.

Bạn có thấy cách tôi dẫn nguồn của lượng tìm kiếm trên Google ở phần trên của bài viết không? Các trang web hay nguồn tin tin cậy thường sẵn sàng dẫn nguồn hoặc đưa bằng chứng cho số liệu, phân tích, thống kê. Đơn giản vì họ không thể biết mọi thứ trên đời. Họ cũng cần tham khảo thông tin từ những nguồn tin cậy khác.

Ngoài ra, hãy đánh giá xem các số liệu có hợp lý, các tính toán có chính xác hay không.

Kiểm tra nguồn gốc hình ảnh

Hình ảnh là thứ được lan truyền với tốc độ đáng sợ trên Internet. Một số cách để bạn có thể kiểm tra độ xác đáng của hình ảnh là:

  • Kiểm tra các yếu tố trong hình ảnh: quần áo, phương tiện, tòa nhà, cảnh quan… Xem chúng có hợp lý với thông tin hay không.
  • Sử dụng Tineye, một công cụ cho phép bạn kiểm tra ngược hình ảnh. Bạn có thể tìm ra hình ảnh đến từ đâu, được sử dụng ở những website nào, hay có các phiên bản sửa đổi của hình ảnh không. Chúng ta thường gặp những hình ảnh cũ bị chỉnh sửa, cắt ghép để tạo những thông tin giật gân, phải không nào?

Cân nhắc mục đích của người cung cấp thông tin

Đây là cách cuối cùng mà tôi gợi ý, nhưng tôi nghĩ cũng không kém phần quan trọng. Người viết cung cấp thông tin cho bạn với mục đích gì? Họ muốn đưa thông tin hữu ích, giá trị, hay đang muốn câu view, câu like.

Nếu chỉ để lôi kéo người đọc, các thông tin càng giật gân, càng gây tò mò, càng khiến nhiều người bàn tán càng tốt. Những thông tin như vậy thường là tin giả, hoặc được thổi phồng quá mức.

Cách cải thiện kỹ năng kiểm chứng và sàng lọc thông tin

rèn luyện kỹ năng kiểm chứng và sàng lọc thông tin

Một kỹ năng cần được rèn luyện thường xuyên thì mới có thể tốt và nhạy bén hơn. Vì thế, hãy chăm chỉ rèn luyện kỹ năng xác thực thông tin thường xuyên.

Sau đây là một số gợi ý giúp bạn cải thiện kỹ năng này

  • Thường xuyên học từ nguồn tin cậy. Chỉ tiếp nhận thông tin từ các trang uy tín, website chuyên ngành hàng đầu, website của trường đại học hoặc của các chuyên gia uy tín. Có sẵn một danh sách chuyên gia trong lĩnh vực bạn quan tâm, để có thể tham khảo khi cần.
  • Mở rộng vốn kiến thức cá nhân. Việc này sẽ giúp bạn tự đánh giá được thông tin nhanh chóng, mà không cần tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác.
  • Luôn cảnh giác và có tính nghi ngờ. Nếu bạn đã hiểu được sự hỗn loạn của nguồn thông tin trên Internet, hãy luôn nhắc nhở bản thân về việc xác thực thông tin. Hãy kiểm chứng và sàng lọc kỹ lưỡng trước khi chia sẻ với người khác.
  • Rèn luyện tư duy phản biện. Tư duy này giúp bạn luôn đánh giá, so sánh, đặt câu hỏi liên tục về thông tin. Nó rất hữu ích với việc rèn luyện kỹ năng kiểm chứng và sàng lọc thông tin đấy.
  • Tập trung vào những gì quan trọng. Luôn tìm hiểu thông tin từ nhiều khía cạnh, nhưng đừng để bị lạc lối giữa các luồng thông tin. Hãy hiểu rõ mục đích tìm kiếm thông tin của bạn. Điều đó giúp bạn không bị thu hút bởi những thông tin không liên quan.

Kết luận

Trong tương lai, chắc chắn việc kiểm chứng và sàng lọc thông tin sẽ trở thành kỹ năng quan trọng của mỗi cá nhân. Hy vọng những thông tin tôi chia sẻ sẽ giúp bạn tự tin hơn khi bước vào thế giới thông tin. Hãy rèn luyện kỹ năng này để trở thành người tiếp nhận và cho đi thông tin một cách thông thái.

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy giúp tôi chia sẻ nó với những người xung quanh. Cảm ơn bạn và chúc bạn thành công!

Nguồn tham khảo: International Journalists’ Network

Chia sẻ bài viết: Kiểm chứng và sàng lọc thông tin – Kỹ năng thiết yếu của hiện tại và tương lai
error: Content is protected !!
Scroll Up